Làng nghề Sơn Đồng, nằm ở khu vực ngoại thành Hà Nội, là mảnh đất sản sinh ra những tác phẩm đồ thờ mang tính nghệ thuật và tinh tế. Từ từng lớp sơn mịn màng, đường khắc mềm mại, làng nghề truyền thống này đã trở thành nơi nuôi dưỡng và bảo tồn nghệ thuật chế tác đồ thờ độc đáo và mang đậm bản sắc dân gian.
Tượng
Tượng Phật
Tượng Phật là một trong những yếu tố tâm linh không thể thiếu tại các đền chùa hoặc không gian thờ cúng của gia đình. Việc thờ cúng Phật đại diện cho đức tin của người Việt về cuộc sống sung túc, thịnh vượng, hướng thiện và mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn.
Tượng Phật là một trong những đồ thờ Sơn Đồng được chế tác nhiều nhất và thường được làm bằng gỗ, phổ biến nhất là gỗ mít. Bên cạnh đó, tượng Phật Sơn Đồng thường sử dụng sơn ta, sơn son thếp vàng thếp bạc sau quá trình chế tác.
Một số mẫu tượng Phật được chế tác nhiều nhất tại làng nghề Sơn Đồng:
- Tượng Phật A Di Đà: Đây là mẫu tượng A Di Đà đứng trên tòa sen, tay phải đưa xuống để dẫn lối chúng sinh, tay trái cầm đài sen, tượng trưng cho công đức, độ lượng và tuổi thọ.
- Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni: Bức tượng tạc Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên đài sen, đôi mắt khép, hai tay để ấn tam muội và có ánh hào quang tỏa ra xung quanh, tượng trưng cho trí tuệ và sự phân biệt thiện ác.
- Tượng Phật Di Lặc: Bức tượng này khắc họa những đặc điểm riêng biệt của Phật Di Lặc như thân hình mập mạp, phần bụng to tròn, miệng nở nụ cười tươi. Đây là bức tượng đại diện cho sự vui tươi, hạnh phúc và xua tan những lo âu.
- Tượng Quan Âm: Mẫu tượng Quan Âm phổ biến nhất là tượng Phật bà Quan Âm tay trái cầm bình cam lộ, tay phải cầm nhành liễu. Bức tượng này cho thấy hình ảnh Quan Âm ngự trên tòa sen để quan sát và lắng nghe những lời cầu khấn của nhân gian.
- Tượng Bồ tát nghìn mắt nghìn tay: Hay còn gọi là Bồ tát Thiên thủ Thiên nhãn, có ngàn con mắt để nhìn thấu trần gian và có ngàn đôi tay để cứu giúp chúng sinh. Đặc điểm nổi bật của bức tượng này là vô vàn bàn tay và con mắt, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận đến từng chi tiết của người nghệ nhân.
Tượng Thánh
Tượng La Hán
Theo đạo Phật, tượng La Hán đại diện cho giai đoạn A-la-hán, họ là những đệ tử đắc đạo của Đức Phật. Mỗi vị La Hán lại có câu chuyện của riêng mình trên con đường tu hành mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Bộ tượng La Hán gồm 18 vị thường được thờ cúng tại các không gian thờ như chùa và đền. Mỗi vị La Hán lại có dáng đứng hoặc ngồi độc đáo, có phần kỳ lạ nhưng vẫn mang vẻ gần gũi với người dân. Thờ tượng La Hán không chỉ đại diện cho văn hóa tâm linh mà còn đại biểu cho sự tôn vinh trí tuệ con người và lòng nhân ái.
Tượng Hộ Pháp
Tượng Hộ Pháp thường được đặt trong các đền, chùa và bảo điện. Có nhiều vị Hộ pháp, trong đó 2 vị Hộ pháp mà ta thường thấy nhất là Hộ Pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác. Tượng Hộ pháp được tạc dưới hình dáng người võ sĩ, khoác áo giáp, đầu đội mũ.
Tượng Hộ Pháp Khuyến Thiện là bức tượng người võ sĩ cầm trên tay viên ngọc, khuôn mặt trắng và bình thản, đặt bên trái bàn thờ Phật. Trong khi đó, tượng Hộ Pháp Trừng Ác là bức tượng người võ sĩ cầm thanh đao, khuôn mặt đỏ và giận dữ, được đặt bên phải bàn thờ. Tượng Hộ Pháp có dáng đứng hoặc ngồi tùy thuộc vào không gian đặt tượng và mục đích của gia chủ.
Tượng mẫu
Tượng mẫu (tam tòa thánh mẫu) gồm có 3 ngôi tương ứng với 3 vị thánh mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.
- Thánh mẫu Thượng Thiên (Mẫu Đệ Nhất) cai quản bầu trời (mây, mưa, sấm, chớp) và có liên hệ mật thiết với nền văn hóa lúa nước của người Việt. Tượng mẫu Đệ Nhất được đặt ở chính giữa và mặc áo đỏ.
- Thánh mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Nhị) cai quản vùng rừng núi (con người, cây cỏ, muông thú, chim chóc). Tượng mẫu Đệ Nhị được đặt bên trái và mặc áo màu xanh lá.
- Thánh Mẫu Thoải (Mẫu Đệ Tam) cai quản vùng sông nước (nguồn nước và động vật thủy sinh). Tượng mẫu Đệ Tam được đặt ở bên phải và thường mặc áo màu trắng.
Tượng linh vật
Tượng Ông Ngựa
Ngựa là một trong những loài vật đầu tiên được con người thuần hóa, không chỉ là con vật dùng để chuyên chở đồ vật mà còn là người bạn trung thành xuất hiện nhiều trong truyền thuyết và điển tích lịch sử của người Việt.
Ngựa cũng là phương tiện cưỡi của nhiều vị Thánh nên tượng Ông Ngựa thường được đặt tại các đền thờ thành thần hoặc các vị anh hùng trong lịch sử. Hình ảnh con ngựa cũng tượng trưng cho sự luân hồi, may mắn và hạnh phúc, đồng thời cũng là hiện thân của sự tôn nghiêm và lòng thành kính, là biểu tượng quan trọng trong văn hóa Việt.
Tượng Ông Ngựa gỗ, thường có màu đỏ và trắng, được đặt trong các đình, đền, chùa. Tượng ngựa gỗ thờ góp phần mang đến không gian linh thiêng và tinh tế với tính cân xứng và uy linh.
Tượng Ngũ Hổ
Tượng Ngũ Hổ là chúa tể của sơn lâm và là biểu tượng của sức mạnh và uy quyền trong tín ngưỡng của người Việt. Hổ được sùng bái và thờ cúng ở các đền, phủ, điện và cả không gian thờ gia đình. Động thờ Ngũ Hổ đặc trưng với năm vị thần Hổ, trấn giữ cho 5 phương khác nhau.
Năm ngài Hổ có năm màu sắc khác nhau, trong đó:
- Hoàng Hổ (Hổ vàng) trấn giữ ở Trung tâm (Địa khu)
- Hắc Hổ (Hổ đen) trấn giữ phương Bắc (Thuỷ khu)
- Xích Hổ (Hổ đỏ) trấn giữ phương Nam (Hoả khu)
- Bạch Hổ (Hổ trắng) trấn giữ phương Tây (Kim khu)
- Thanh Hổ (Hổ xanh) trấn giữ phương Đông (Mộc khu)
Gia chủ có thể thờ riêng một Hổ, tuy nhiên cần xem xét về bản mệnh của gia chủ để chọn được ngài Hổ phù hợp.
Tòa Cửu Long
Theo truyền thuyết, Đức Phật ra đời với sự chào đón của 9 con rồng phun nước thơm và các vị Phật trên trời.
Tòa Cửu Long là một tác phẩm phức tạp, đặc trưng bởi sự kết hợp của nhiều pho tượng. Tượng Đức Phật sơ sinh ở giữa, với chín con rồng bao quanh và những đóa hoa sen nở, các vị Phật như Chư Thiên, Nhã Nhạc, Cờ Phướn, Bát bộ Kim Cương,... cưỡi mây quây quần xung quanh, tượng trưng cho sự chào đón linh thiêng.
Tòa Cửu Long thường được thờ cúng tại các không gian linh thiêng như chùa, đền, điện, hay không gian thờ tại gia.
Một số tượng khác
Khi tham khảo các mẫu đồ thờ Sơn Đồng, đặc biệt là các loại tượng, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ về độ đa dạng và tinh xảo của các sản phẩm đồ thờ tại đây. Bên cạnh tượng Phật và tượng mẫu, bạn cũng có thể tham khảo tượng Cô, tượng Cậu, tượng Ngọc Hoàng Nam Tào Bắc Đẩu, tượng Địa Tạng,... Mỗi loại tượng nêu trên đều có ý nghĩa riêng biệt về mặt tín ngưỡng và tâm linh.
Cửa võng
Cửa võng có thiết kế giống một chiếc rèm được làm bằng gỗ có hình chữ "M", vừa mang tính trang trí, vừa góp phần tạo không gian linh thiêng và trang nghiêm trong không gian thờ cúng. Cửa võng thường được làm bằng các loại gỗ như Mít, Hương, Dổi,...
Có nhiều loại cửa võng phù hợp với từng không gian thờ cụ thể. Tương tự như bàn thờ, hoành phi, câu đối và một số loại đồ thờ Sơn Đồng khác, cửa võng thường được chạm khắc tứ linh hoặc hoa văn cổ đối xứng, tăng thêm vẻ truyền thống và nghệ thuật.
Cửa võng thường được lắp đặt tại hầu hết các không gian thờ cúng linh thiêng như nhà thờ họ, đền, chùa, miếu phủ.
Một số loại cửa võng gồm có cửa võng sơn pu, cửa võng sơn son, cửa võng hồng trĩ, cửa võng tứ linh hóa, cửa võng mai điểu,...
Hoành phi - Câu đối
Hoành phi câu đối là những phần không thể thiếu trong nhiều không gian thờ cúng khác nhau như tại gia đình, nhà thờ họ, đền điện,... Những từ và câu văn khắc trên hoành phi và câu đối thường mang ý nghĩa về truyền thống gia đình, nhớ ơn tổ tiên, phẩm chất đạo đức con người. Đây cũng là hai trong số các đồ thờ Sơn Đồng được chế tác nhiều nhất và có đa dạng các mẫu mã và thiết kế.
Hoành phi
Hoành phi thường có hình chữ nhật và được treo tại các gian thờ tại đình chùa và từ đường gia tiên. Mỗi bức hoành phi thường được khắc chạm khoảng 3-4 chữ đại tự.
Bức hoành phi thường được treo tại vị trí cao nhất của không gian thờ, hơi nghiêng về phía trước. Việc lựa chọn số lượng bức hoành phi (một, hai, hoặc ba) tại không gian thờ phụ thuộc vào truyền thống, yêu cầu của từng gia đình và khu vực thờ cúng. Hoành phi có một số loại phổ biến như hình chữ nhật, hình cuốn thư, chân thư cổ, dạng chiếc khánh và dạng hình ô van.
Câu đối
Câu đối là một thể loại trong văn học của Việt Nam gồm hai vế câu đối nhau biểu thị ý nghĩa song song, tương ứng, hợp thành một đôi. Câu đối thường được treo ở 2 bên không gian thờ với nội dung phản ánh truyền thống gia đình, lời răn dạy của tổ tiên,...
Đôi câu đối tại làng nghề Sơn Đồng thường được làm từ gỗ, phủ sơn ta, sơn vecni hoặc sơn son thếp vàng thếp bạc theo yêu cầu và mong muốn của chủ nhà.
Một số mẫu câu đối nhà thờ phổ biến gồm có câu đối hình chữ nhật, câu đối lá lật, câu đối hình quả bầu, câu đối bán nguyệt kiểu lòng máng ốp cột, câu đối có bo khung viền,...
Bàn thờ
Bàn thờ là một phần rất quan trọng của mỗi ngôi nhà và không gian thờ cúng, do đó đây là một trong những đồ thờ Sơn Đồng được chế tác nhiều nhất. Khi nhắc đến bàn thờ Sơn Đồng, bạn có thể tham khảo một số đồ thờ sau.
Tủ thờ
Tủ thờ là một biến thể của bàn thờ đứng, đặc trưng với 4 chân chắc chắn và có vách kín bao quanh, mang lại vẻ trang trọng, được dùng để lưu trữ và đặt những vật dụng cần thiết cho các nghi lễ thờ cúng. Với thiết kế uốn lượn và tinh xảo, tủ thờ không chỉ là một món đồ nội thất mà còn là tác phẩm nghệ thuật, toát lên sự tôn kính trong không gian thờ cúng tâm linh.
Hiện nay, tủ thờ có kích thước, kiểu dáng và chi tiết chạm khắc đa dạng, tạo nên sự dộc đáo trong nghệ thuật chế tác đồ thờ của làng nghề Sơn Đồng.
Khám thờ
Khám thờ là đồ thờ có hình dáng giống chiếc tủ với cánh cửa có thể đóng mở, xuất hiện đầu tiên trong các đền và am thờ. Khám thờ thường gồm một cánh cửa được chạm Rồng tinh xảo, mặt trước trang trí bằng các họa tiết linh vật quý như rồng, phượng, cây cỏ hoa lá.
Chế tác khám thờ được thực hiện một cách rất tinh xảo và tỉ mỉ, sử dụng chất liệu đồng nguyên chất hoặc gỗ. Phần mái thường được chạm hình Rồng chầu Nguyệt, chính giữa khám thờ có viết hai chữ "Thần Chủ," thể hiện sự tôn kính đối với thần linh, chân khám được chạm thúc nổi đầu Hổ Phù. Bên trong khám thờ thường đặt bài vị chung, gia phả của dòng họ hoặc đặt tượng các vị thần, ví dụ như Khám thờ điện mẫu dùng trong thờ cúng tượng Tam tòa thánh mẫu.
Ỷ thờ
Ỷ thờ là biểu tượng của sự kính trọng và được đặt tại vị trí trung tâm của bàn thờ, dành cho bậc bề trên trong gia đình. Ỷ thờ thường đặt trong nhà con thứ.
Hình dáng của ỷ thờ thường thể hiện sự trang trọng và linh thiêng. Hai tay ngai chạm đôi Rồng ngậm Ngọc, mặt tựa chạm Nguyệt, vách chạm tứ linh, toát lên vẻ trang trọng và tâm linh. Hoa văn và kết cấu theo lối truyền thống, thường được sơn son thếp vàng để làm nổi bật vị trí chủ tọa ở trung tâm không gian thờ.
Sập thờ
Sập thờ có chữ nhật và có nhiều kích thước, đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ thờ cúng và truyền thống tín ngưỡng của gia đình Việt. Xuất hiện từ xa xưa, sập thờ là nơi linh thiêng để con cháu thể hiện lòng kính trọng đối với tổ tiên.
Sập thờ được chế tác từ gỗ, thường được trang trí bằng những họa văn và chi tiết trang trí tinh tế như hoa văn Long, Ly, Quy, Phụng hoặc các yếu tố thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá, tạo nên vẻ đẹp sắc sảo và tinh tế cho sản phẩm. Hình dáng và hoa văn trên sập thờ có thể thay đổi linh hoạt, tùy thuộc vào sở thích và gu thẩm mỹ của gia đình sử dụng.
Một số loại sập thờ đẹp mắt bao gồm sập tứ linh, sập 2 dạ, sập gụ tủ chè, sập gụ tủ chè, sập mai điểu, sập nghê thờ, sập tam cấp, sập rồng trầu,...
Án gian
Án gian thờ là một chiếc bàn thờ đứng, tượng trưng cho sự tôn kính và tâm linh trong không gian thờ cúng. Chế tác tinh tế của những chiếc án gian này tạo nên không gian sang trọng và độc đáo, kết hợp sự truyền thống và sự sáng tạo hiện đại.
Chế tác án gian thường sử dụng chất liệu chủ yếu là gỗ, được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo độ bền vững và tính thẩm mỹ. Điều đặc biệt của bàn án gian Sơn Đồng nằm ở sự tinh tế trong việc chạm khắc họa tiết trên bề mặt án gian, từ đầu rồng, chân quỳ, tứ linh đến hoa đào, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đẹp mắt và mang đậm nét truyền thống.
Một số loại án gian phổ biến chế tác từ làng nghề Sơn Đồng gồm có án gian chiện đào, án gian chiện tàu, án gian chân quỳ, án gian hoa sen, án gian mai điểu, án gian ngũ phúc,...
Bàn thờ Ô xa
Bàn thờ Ô xa là một mẫu bàn thờ độc đáo, đặc trưng bởi thiết kế bàn thờ với các ô được phân tách rõ ràng, mỗi ô được trang trí bằng những họa tiết tinh xảo. Trong tất cả các mẫu bàn thờ, chế tác bàn thờ Ô xa cần sự kỳ công và kỹ thuật cao, thể hiện rõ nhất qua việc chạm khắc tỉ mỉ và sử dụng chất liệu sơn son thếp vàng để nổi bật các chi tiết.
Mỗi ô trên bàn thờ Ô xa thường được trang trí bằng các họa tiết như bộ tứ linh, tứ quý, tam đa,... và những chi tiết nhỏ này đều được làm thủ công.
Bàn thờ Ô xa có thể chia thành một số loại như Ô xa 1 tầng cổ, Ô xa 2 tầng cổ, Ô xa 1 tầng lá cổ nhị cấp, Ô xa giả cổ, Ô xa hoành phi câu đối, Ô xa sơn son,...
Sơn son thếp vàng
Sơn son thếp vàng là một công đoạn yêu cầu sử tỉ mỉ và tinh tế trong nghệ thuật trang trí đồ thờ và tượng Phật. Đây là một trong những kỹ thuật riêng có của người nghệ nhân tại làng nghề Sơn Đồng, huyện Hoài Đức - Hà Nội. Công đoạn này bao gồm việc phủ sơn đỏ và đen lên bề mặt đồ thờ, trong khi chữ và họa tiết được dát lá vàng, lá bạc.
Mỗi lớp sơn đều nhằm phục vụ mục đích nhất định và số lớp sơn trên từng đồ thờ Sơn Đồng là khác nhau. Thếp vàng là việc dán lớp vàng thật mỏng lên các chi tiết để tạo nên màu vàng tự nhiên và ánh kim bắt mắt.
Kỹ thuật hom bó và sơn lót khi sơn son thếp vàng giúp đồ thờ không bị thấm nước, không mối mọt, không co ngót và kéo dài tuổi thọ của tác phẩm lên tới 400-500 năm. Sử dụng đồ thờ sơn son thếp vàng không chỉ là nghệ thuật trang trí mà còn là biểu tượng của sự tôn vinh và lòng kính trọng trong văn hóa tâm linh Việt Nam.