1. Tượng A di đà ngồi
Tư thế bạn thường thấy nhất ở các bức tượng Phật A di đà chắc chắn là tư thế ngồi xếp bằng hoa sen hoặc các tư thế tương tự, chẳng hạn như tư thế bán già hoặc kiết già. Đây là tư thế mà Đức Phật thường ngồi khi giảng những giáo lý của Người và đồng thời đây cũng là tư thế để thiền định.
Ngồi mang lại sự cân bằng tốt nhất giữa một mặt là nỗ lực tích cực về thể chất và mặt khác là có thể đóng các cánh cửa giác quan. Khác với tư thế ngồi, khi nằm bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ vì không cần gắng sức để giữ thẳng người hoặc khi đứng bạn cần phải điều chỉnh cử động liên tục, phải dồn lực nhiều và phải quan sát nơi bạn đặt chân gây mất tập trung khiến cho việc thiền định sâu trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, tư thế ngồi là tư thế duy nhất mà bạn có thể thực sự tập trung cao độ và đặt tâm trí sâu nhất.
Theo các ghi chép của Phật giáo, Đức Phật đạt được sự giải thoát hoàn toàn khi thiền định trong tư thế ngồi và Ngài cũng đã an trụ thường xuyên trong tư thế này khi giảng dạy, truyền cảm hứng và thúc đẩy những người khác đạt được điều tương tự. Đó chính là lý do khiến tư thế ngồi trở thành tư thế phổ biến nhất khi tạo hình các bức tượng Phật A di đà sơn son thếp vàng.
Đức Phật thường được miêu tả ngồi trong tư thế xếp bằng hoa sen, với mỗi bàn chân đặt lên phần đùi đối diện hoặc bàn chân phải đặt trên đùi trái và bàn chân trái đặt dưới đùi phải.
2. Tượng A di đà đứng
Nếu bạn nhìn vào một bức tượng A di đà đứng, bạn sẽ thấy rằng Đức Phật được tạo hình đứng vững vàng bằng hai chân trên mặt đất, cố định và bất động. Tùy thuộc vào cử chỉ tay mà Đức Phật đang thực hiện, bức tượng sẽ tỏa ra sự quyết tâm, bình tĩnh hoặc là bình yên.
Đây chính là hình ảnh Đức Phật sau khi đạt được giác ngộ và đứng dậy từ tư thế thiền định, Người đã kiên quyết đứng nhìn ra thế giới, bằng con mắt thể chất và tinh thần của mình để tìm kiếm những chúng sinh mà Ngài có thể giúp đỡ khỏi những khổ đau và để đạt được sự giải thoát.
3. Tượng A di đà bước đi
Tượng phật A di đà trong tư thế bước đi thường không được bắt gặp nhiều tại Việt Nam, thay vào đó, những bức tượng này lại khá phổ biến ở những nước như Thái Lan.
Bức tượng A di đà đặt một chân phía trước, chân kia đi phía sau, tiến về phía trước là hình ảnh đặc trưng của Thái Lan bắt đầu từ thế kỷ 13. Hình ảnh Đức Phật đang đi bộ nhấn mạnh rằng Đức Phật đã đi giữa mọi người, đi khắp đất nước và đi khất thực với bình bát của mình.
Trong tư thế này, Đức Phật luôn để tay trái trong ấn abhaya (bàn tay đặt thẳng và ngửa ra phía trước) - thủ ấn của sự an toàn và tự do, hoặc ấn vitarka (bàn tay đặt thẳng với đầu ngón cái và đầu ngón trỏ chạm vào nhau) - thủ ấn của trí tuệ.
4. Tượng A di đà nằm
Tượng A di đà nằm luôn nằm nghiêng về bên phải, đầu đặt lên tay, dựa vào gối hoặc đặt lên khuỷu tay phải. Tư thế này tượng trưng cho Đức Phật trong giờ phút cuối cùng của Ngài.
Ở tuổi 80, Đức Phật ngã bệnh sau khi ăn một bữa ăn cúng dường cho mình. Đức Phật chỉ ra rằng bữa ăn này sẽ đánh dấu sự kết thúc dạng tồn tại vật chất của thân Đức Phật và là khởi đầu cho dạng tồn tại tâm linh của Ngài.
Tượng A di đà nằm tượng trưng cho những giờ phút cuối cùng của Đức Phật, nằm dưới cây sala song sinh. Đức Phật dạy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, dù thân đau nhức dữ dội, Ngài vẫn bình thản, chánh niệm, hiểu biết.
Trong những khoảnh khắc cuối cùng của mình, Đức Phật đi vào trạng thái tâm thức thuần khiết và tập trung nhất, cho đến thời điểm mà nhận thức và cảm giác của Ngài biến mất.
Ý nghĩa thủ ấn của tượng A di đà
1. Thủ ấn Bhumisparsa
Thủ ấn Bhumisparsa (một bàn tay ngửa lên trên và đặt trong lòng, tay còn lại chạm vào nền đất) đại diện cho “sự kết nối với mặt đất” và “kêu gọi sự chứng kiến của đất”.
Ở Đông Nam Á, thủ ấn này còn được hiểu là tượng trưng cho chiến thắng cái ác.
Cho đến nay, đây là thủ ấn nổi tiếng và phổ biến nhất khi chế tác tượng a di đà.
2. Thủ ấn Dharmachakra
Thủ ấn Dharmachakra (bàn tay được đặt ở ngang tim với đầu ngón giữa tay trái chạm vào đầu ngón cái tay phải tạo thành vòng tròn) đại diện cho “sự chuyển dịch của bánh xe Dhamma” hoặc hiểu đơn giản là “sự chuyển dịch của quy luật tự nhiên”.
3. Thủ ấn Dhyāna
Thủ ấn Dhyāna (hai bàn tay ngửa lên trên đặt chồng lên nhau và để ở trong lòng) đại diện cho sự tập trung sâu có thể đạt được thông qua thiền định và có thể được dịch là ‘sự hấp thụ tinh thần’.
4. Thủ ấn Abhaya
Thủ ấn Abhaya (lòng bàn tay hướng ra phía trước) tượng trưng cho “không sợ hãi”, “an toàn” và “bảo vệ”. Bạn có thể nhìn thấy những bức tượng A di đà sử dụng thủ ấn này trong tư thế ngồi với cẳng tay đặt trên chân hoặc tư thế đứng và đi với tay đặt ngang tầm khuỷu tay hoặc ngang vai. Thủ ấn thường được thực hiện bằng tay phải, nhưng bạn cũng có thể bắt gặp những bức tượng thực hiện bằng tay trái hoặc thậm chí bằng cả hai tay.
5. Thủ ấn Vitarka
Thủ ấn Vitarka (đầu ngón cái và đầu ngón trỏ của 2 bàn tay chạm vào nhau, bàn tay phải hướng ra phía trước, bàn tay trái hướng lên trên và được đặt trong lòng) có nghĩa là 'tư duy có định hướng' hay 'sự sáng suốt'. Thủ ấn này tượng trưng cho trí tuệ của Đức Phật.
6. Thủ ấn Varada
Thủ ấn Varada (lòng bàn tay phải hướng ra phía trước, bàn tay trái đặt ngửa trong lòng) có nghĩa là 'người cho những điều tốt nhất' và đó là thủ ấn cúng dường thể hiện cho sự hào phóng - một trong những giá trị cốt lõi của con đường Phật giáo. Thủ ấn này thường được kết hợp với một thủ ấn khác, ví dụ thủ ấn Abhaya ở tư thế đứng và ngồi.
7. Thủ ấn Karana
Thủ ấn Karana (đầu ngón giữa và ngón cái của tay phải đặt ngang ngực và chạm vào nhau, tay trái đặt ngửa trong lòng) biểu tượng cho “xua đuổi ma quỷ và loại bỏ những trở ngại”, chẳng hạn như bệnh tật hoặc những suy nghĩ tiêu cực.
Lược dịch từ buddho.org