1. Mẫu Thượng Thiên
Mẫu thượng thiên được thiên hạ tôn sùng có xuất thân là công chúa Liễu Hạnh. Bà là vị thánh cuối cùng trong bộ tứ bất tử, cũng như là vị thánh nữ duy nhất trong bộ tứ. Với xuất thân vừa là nhân thần vừa là thiên thần, hình mẫu của công chúa Liễu Hạnh là sự dung hòa giữa cái siêu nhiên với cuộc sống đời thường, với mong muốn hướng đến cái chân thiện mỹ trong lòng con người, đồng thời cứu độ cứu nạn chúng sinh. Chính sự dung hợp đó làm cho mẫu Thượng Thiên trông bình dị, đời thường, mở đường cho sự giao thoa và tiến bước của tín ngưỡng thờ mẫu vào các chùa miếu nhỏ lẻ ở làng quê. Trong miếu thờ Mẫu, vị trí của Liễu Hạnh Thánh Mẫu luôn ở chính giữa, mặc trang phục màu đỏ.
2. Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn đứng thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu, bà có rất nhiều tên gọi khác nhau như Lê Mại Đại Vương, Sơn Tinh Công Chúa, Đông Cuông Thánh Mẫu, Lâm Cung Thánh mẫu, Mẫu Đệ nhị Nhạc Phủ. Cùng với Mẫu Đệ Nhất, Mẫu Ngàn được thờ ở tất cả các đền, phủ có ngôi tam toà và đặc biệt các vùng rừng núi. Có ba nơi được coi là nơi thờ chính là Bắc Lệ (Lạng Sơn),Suối Mỡ (Bắc Giang) và Đông Cuông (Yên Bái). Tuy vậy, ba nơi này lại lưu giữ những truyền thuyết có phần khác nhau về Mẫu Thượng Ngàn. Trong miếu thờ, bà sẽ mặc trang phục màu xanh, ngồi bên tay phải Mẫu Thượng Thiên.
3. Mẫu Thoải
Thánh Mẫu Đệ Tam là vị nữ thần tối cao thứ 3 trong Tam Toà Thánh Mẫu của Tam, Tứ Phủ. Mẫu Thoải tức là Mẫu Thủy hay còn gọi là Thủy Cung Thánh Mẫu. Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước của nước Nam ta. Trên cả nước ta hiện có một số đền thờ Mẫu Thoải như; Đền thượng Tuyên Quang, Đền Ỷ La Tuyên Quang, Đền Dầm, đền Mẫu Thoải Lạng Sơn… Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu Thoải mặc trang phục trắng, ngồi bên tay trái Mẫu Thượng Thiên.
Trong điện thờ, tượng Tam tòa Thánh Mẫu sẽ được đặt dưới một bậc so với tượng thờ Ngọc Hoàng - hình tượng người cha tối thượng của tam vị Thánh Mẫu.
4. Quan Lớn Đệ Tam Thoải Cung
Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ hay còn gọi là Tam Phủ Vương Quan là vị quan lớn nổi tiếng trong điện thần Tam, Tứ Phủ. Hầu như những người đã ra hầu Tứ Phủ, khi hầu hàng Quan Lớn, ai cũng phải hầu về Quan Đệ Tam. Có thể coi ông là vị Quan Lớn tài danh hàng đầu. Khi ngự đồng, ông mặc áo trắng thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ điệp và ông múa đôi song kiếm. Khi có đại tiệc khai đàn mở phủ, người ta thỉnh quan về chứng đàn Thoải Phủ (gồm có long chu phượng mã, lốt tam đầu cửu vĩ…: tất cả đều màu trắng).
5. Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh
Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh. Hay còn gọi là Ông Lớn Tuần Tranh. Trong hàng Năm Tòa Ông Lớn, ông được thỉnh cuối cùng nhưng lại hay ngự về đồng nhất. Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các quan lớn về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sớ trạng rồi mới được đem đi hoá. Hai nơi nổi tiếng nhất thờ Quan Lớn Tuần Tranh là Đền Ninh Giang (Đền Tranh) và Đền Kì Cùng.
6. Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Chầu hay giáng đồng nhất trong hàng Chầu. Từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thỉnh Chầu về ngự để ban tài tiếp lộc sơn lâm sơn trang. Khi văn thỉnh Chầu cất lên: Dâng văn tiên thánh thượng ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn hôm nay…. Chầu ngự về đồng ra tay dấu hai ngón tay phía bên phải, mặc y phục màu xanh lá cây giống người dân tộc, chít khăn buồm.
Đền Chầu Đệ Nhị nổi tiếng bốn phương chính là đền Đông Cuông. Cũng như Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị được thờ phụng ở bất cứ nơi nào có rừng núi có Mẫu Đệ Nhị ngự.
7. Chầu Lục Cung Nương
Chầu Lục Cung Nương là vị chầu bà nức danh và hay về ngự đồng nhất trong các vị chầu bà. Chầu Lục Cung Nương là vị Thánh chầu thứ sáu trong hàng Tứ phủ thánh Chầu. Ngoài danh hiệu Chầu Lục, ngài còn có các danh hiệu khác như Chúa Lục Cung Nương, Chúa Bà Lục Cung, Lục Cung Tiên Chúa, Mế Lục Cung Nương. Đền thờ Chầu ở thôn Chín Tư, Hòa Lạc, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Ngoài ra, khắp đền phủ trên đất nước, đặc biệt là những vùng rừng núi đều thờ Chầu Lục Cung Nương.
8. Chầu Bé Bắc Lệ
Chầu bé Bắc Lệ là vị thánh chầu rất linh thiêng và thường xuyên hiển linh ngự đồng, chầu đứng cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nên được gọi Chầu Bé. Tuy thứ bậc chầu cuối cùng trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà nhưng không một ai hầu mà không thỉnh chầu về ngự. Khi Chầu ngự về đồng thường hay mặc áo đen hoặc áo xanh chàm, chân đi xà cạp, trên vai đeo gùi hoa.
9. Ông Hoàng Bơ Thoải
Quan Hoàng Bơ là một trong ba vị Thánh Hoàng hay giá ngự về đồng nhất trong Thập vị Thánh Hoàng. Khi giá ngự đồng, ông mặc áo trắng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ),thắt đai vàng, đầu đội khăn xếp có thắt lét trắng, cài chiếc kim lệch màu trắng bạc. Có khi ông ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm quạt thong thả bẻ lái dạo chơi, cũng có khi ông cầm đôi hèo hoa, rong ruổi cưỡi ngựa đi ngao du khắp sơn thủy.
10. Ông Hoàng Bảy Bảo Hà
Quan Hoàng Bảy là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, còn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, ông là một trong những vị thánh được người trong và ngoài đạo nhắc đến nhiều nhất. Ông là con Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình. Đền thờ Ông Hoàng Bảy được lập tại nơi năm xưa di hài của ông lưu lại là Đền Bảo Hà, nằm ở chân đồi Cấm, bên bờ thượng lưu sông Hồng, ở bên bến phà Trái Hút, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
11. Ông Hoàng Mười Nghệ An
Ông Hoàng Mười hay còn gọi là Ông Mười Nghệ An là vị Thánh nổi danh trong hệ thống Tam, Tứ Phủ. Tương truyền, ông là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình. Ông được thờ phụng khắp nơi, đền chính là Đền Chợ Củi, chính là nơi năm xưa di quan ông trôi về và hóa, qua cây cầu Bến Thủy, bên sông Lam, núi Hồng Lĩnh, thuộc xã Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (cũng chính là nơi quê nhà của Ông Mười).
12. Cô Bơ Thoải Cung
Nhắc đến hệ thống các Thánh cô trong Tứ Phủ, không ai là không biết cô Bơ Thoải Cung hay còn gọi là cô Bơ Bông. Khi hầu đồng giá cô Bơ, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây.
13. Cô Đôi Thượng Ngàn
Cô Đôi Thượng Ngàn là vị Thánh Cô nổi tiếng trong hệ thống Tam, Tứ Phủ, nổi danh trên sơn lâm thượng ngàn tối linh. Cô Đôi thường là giá cô ngự về đầu tiên (mở khăn cho hàng cô) để chứng lễ. Khi cô về ngự thường mặc áo lá xanh hoặc quầy đen và áo xanh (ngắn đến hông),trên đầu có dùng khăn (khăn von hoặc khăn vấn) kết thành hình đóa hoa, cũng có một số nơi dâng cô áo xanh, đội khăn đóng (khăn vành dây) và thắt lét xanh, hai bên có cài hai đóa hoa.
14. Cô Chín Sòng Sơn
Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô có nhiều quyền phép. Những người có căn Cô Chín thường có khả năng xem bói. Cô Chín rất hay ngự đồng. Hầu hết các thanh đồng khi Hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín. Khi giáng hầu Cô Chín thường mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai và cô múa quạt tiến Mẫu. Đôi khi Cô cũng múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên
15. Cậu Bé Đồi Ngang
Cậu Bé Đồi Ngang, Cậu Quận Đồi Ngang là một trong những cậu bé hay giáng đồng nhiều nhất trong hàng Tứ Phủ Thánh Cậu. Khi loan giá ngự đồng cậu thường trong trang phục áo cánh màu xanh lá, đầu vấn khăn đầu rìu, chân quấn xà cạp, đi hài thêu hoa. Cậu về làm lễ khai quang, tấu hương lạy mẫu rồi múa hèo, múa gậy, bắn cung, nhảy ngựa…và hò reo vang lừng, sau đó ngự tọa nghe văn.
Cô Cậu được cho là những người cai quản ở những vùng miền khác nhau. Do đó việc thờ cúng tượng Cô, tượng Cậu mang ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn với Cô Cậu, cầu mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được thiên nhiên ưu đãi.