Những năm tháng chiến tranh, nghề điêu khắc gỗ ở đây bị mai một cũng giống như các làng nghề khác ở Bắc bộ; nghệ nhân và thợ lành nghề giai đoạn này trưởng thành được chỉ nhờ vào “cha truyền con nối”, hay thầy trò truyền cho nhau. Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, với tình yêu quê hương, yêu nghề, một số cụ cao niên trong làng đã mở lớp dạy nghề đại trà cho người làng nghề điêu khắc gỗ ở Sơn Đồng đã dần khôi phục và phát triển
Năm 1992, HTX thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng giải thể. Các nghệ nhân và thợ thủ công của làng nghề nhiều người không tìm được việc làm. Trăn trở với sự tồn hưng của làng nghề, một số thợ giỏi, tâm huyết với nghề hợp nhau lại xin phép thành lập Hiệp hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng. Ngày 10/6/2002, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng ra Quyết định số 20/QĐ-UB thành lập Hiệp hội Làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng.
Ban đầu Hội chỉ có 51 hội viên cho đến nay số hội viên chính thức tăng lên trên 500 và số hội viên trực thuộc lên đến trên 2000 người. Nhằm duy trì và bảo tồn sự phát triển của làng nghề, xã Sơn Đồng đã mở những lớp đào tạo nghề, dạy nghề truyền thống cho con em tại địa phương, do các nghệ nhân Sơn Đồng trực tiếp giảng dạy.
Tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay được các chế tác tại làng nghề Sơn Đồng
Cùng với đó, để bảo vệ và xây dựng thương hiệu làng nghề Sơn Đồng ngày càng phát triển bền vững, năm 2013, làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng đã triển khai thủ tục Đăng ký nhãn hiệu tập thể nghề điêu khắc, tạc tượng và đồ thờ sơn son thếp vàng, bạc Sơn Đồng. Tháng 9/2015, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn cho Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng quản lý và sử dụng Nhãn hiệu 20 nhóm sản phẩm làm từ gỗ sơn son thếp vàng, thếp bạc.
Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Mỹ nghệ Sơn Đồng mong muốn những chính sách khuyến khích, hướng dẫn phát triển làng nghề đi vào cuộc sống của làng nghề cần hiệu quả hơn nữa. Các văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết hơn, để người lao động làm nghề tiếp cận được các chính sách hỗ trợ và phát triển làng nghề. Những hội nghị của Nhà nước, các cấp bàn về các vấn đề phát triển làng nghề nên có thêm thành phần là người làm nghề tham gia, để họ nói lên được tiếng nói thiết thực của người làm nghề, góp phần xây dựng, hoạch định chính sách về việc phát triển làng nghề được sát hơn.
Thông tin tổng hợp từ:
- Làng nghề Việt Nam
- langvietonline.vn