Mẫu Liễu Hạnh là ai?
Mẫu Liễu Hạnh, một trong những vị thần quan trọng trong Đạo Mẫu, là biểu tượng của Mẫu Thượng Thiên, Mẫu cai quản trời, đất và nhân gian. Bà là một trong Tứ Bất Tử của dân gian Việt Nam, cùng với Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chử Đồng Tử. Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là hiện thân của sự linh thiêng, vừa uy nghiêm, vừa nhân từ, thể hiện qua những câu chuyện giáng thế giúp dân, trừng phạt những kẻ ác và mang lại phúc lành cho người thiện. Vì vậy, trong các đền, phủ tượng Mẫu thường được thờ trong các đền phủ, là hình ảnh biểu trưng cho quyền năng và lòng thương yêu của bà.
Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh có nguồn gốc từ Thiên Cung, là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Do phạm tội trong Thiên Đình, Mẫu bị đày xuống trần gian, từ đó bắt đầu hành trình của một vị thần linh giúp đời, trải qua ba lần giáng thế kỳ ảo. Những huyền tích này không chỉ kể lại cuộc đời thần thoại của Mẫu, mà còn phản ánh những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng dân gian, nơi Mẫu được coi là vị cứu tinh, người che chở cho những người khốn khó, và là biểu tượng của sự thịnh vượng và hạnh phúc.
Theo các nhà nghiên cứu, Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện từ thời Lê , cũng không phải là nhân vật lịch sử , nên sử không chép đến bà . Sách "Việt Điện U Linh tập VHv 1503" có ghi vài dòng về bà trong danh sách 38 người : Lịch triều linh hiển công chúa thần nữ liệt vị nhưng bản này là bản chép sau không phải tác phẩm Lý Tế Xuyên hay Chư Cát Thị.
Huyền tích về ba lần giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh
Căn cứ vào “Tiên Phả Dịch Lục”, “Quảng Cung Linh Từ Phả Ký” và “Cát Tiên Tam Thế Thực Lực” được lưu giữ tại Đền Phủ Dầy thuộc Ban Quản lý Di tích tỉnh Nam Định. Cùng với một số tài liệu trong Hội đồng Khoa học Lịch sử Nam Định thẩm định kết luận rằng việc Mẫu Liễu Hạnh có ba lần giáng thể.
Lần giáng thế đầu tiên
Vào đầu thời Hậu Lê, tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (ngày nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định),có ông Phạm Huyền Viên kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng. Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức, ấy vậy ngặt một nỗi đã ngoài tứ tuần mà chưa có con.
Tới một đêm rằm tháng hai, hai ông bà được Thần báo mộng rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế sẽ cho công chúa Hồng Liên hạ phàm đầu thai làm con, sau giấc mơ đó bà hoài thai. Tới ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu 1433, bà hạ sinh một bé gái. Ngày hạ sinh hôm đó, trời quang mây vàng tỏa ra ánh hào quang tựa như tiên nữ giáng xuống thêm nhà. Thấy được điềm báo tốt như vậy, ông Huyền Viên đã vui mừng và đặt tên cho con gái là Phạm Tiên Nga (ý nghĩa giống như một nàng tiên giáng trần).
Nàng Phạm Thị Nga là một cô gái xinh đẹp, thông minh. Dù đến tuổi cập kê, được nhiều người xin hỏi cưới nhưng nàng vẫn quyết thủ thân trong trắng:
“Cuộc đời như thể phù vân
Thần tiên bận lấy duyên trần làm chi”
Ở nhà, nàng làm tròn đạo hiếu với cha mẹ “mùa hạ quạt mát, mùa đông chăn mềm”. Khi cha mẹ đau yếu thì thuốc thang, cơm cháo nửa bước không rời.
Khi nàng 30 thì cha mẹ khuất núi, Phạm Thị Nga hết sức đau lòng chẳng còn thiết tha làm ăn nên gia cảnh sa sút. May có vua Động Đình đem vàng bạc giúp đỡ, nàng ăn nên làm ra, của cái gấp 5 gấp 7 hồi cha mẹ còn sống. Làm được bao nhiêu của cải nàng đều mang đi khắp nơi ban phát cho những người nghèo khó, sửa sang phần mộ tiên linh, xây đền chùa. Năm 1473 (niên hiệu Hồng Đức thứ tư) , Tiên Chúa hết hạn phàm trần. Vào một đêm tối tự nhiên gió rung cây ngã, xe loan cùng mây ngũ sắc rước bà về tiên cung.
Lần thứ hai giáng thế
Theo cuốn "Nữ thần Vân Cát" trong tập "Truyền kỳ tân phả" của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm – người sinh sau Mẫu Liễu 100 năm, và cuốn "Cát Thiên Tam thế thực lục" do Tổng đốc Nam Định Đoàn Triển cùng một nhóm nho sĩ biên soạn vào năm Duy Tân thứ bảy (1913),có ghi lại như sau:
Sau khi về trời, vì quá thương nhớ mẹ cha và quê hương trần thế. Đến thời Lê Thiên Hựu, năm Đinh Tỵ (1557),bà giáng trần lần thứ hai làm con của gia đình họ Lê tại thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định cách quê cũ Vỉ Nhuế chừng 7 km).
Vào một đêm rằm Trung thu, trăng sáng trong, gió nhẹ mát lành, ông Lê Thái Công nằm mộng thấy mình được các lực sĩ đưa lên chốn tiên cảnh, nơi mây khói bồng bềnh, điện ngọc thành vàng rực rỡ. Ông nhìn thấy một nàng tiên mặc áo hồng, tay nâng chén ngọc tiến dâng Ngọc Hoàng chúc thọ, nhưng không may để rơi vỡ chén. Lập tức, một vị quan đứng bên tả bước ra, mở sổ ghi vài dòng. Ngay sau đó, tiếng truyền oai nghiêm vang lên như sấm: "Nhà ngươi chê nơi văn minh hay sao?". Nói xong, vị tiên nữ áo hồng bị lôi ra cửa Nam, kèm theo kim bài có khắc hai chữ "Sắc Giáng."
Ông Lê Thái Công bừng tỉnh khỏi giấc mộng, và ngay sau đó, vợ ông đã hạ sinh một bé gái. Lần đầu nhìn thấy con gái, ông Lê Thái Công thấy nét mặt giống nàng tiên nữ bưng khay rượu trong bữa tiệc chúc thọ Ngọc Hoàng mà ông đã nằm mộng trước đó, vì vậy ông đặt tên cho con là Lê Giáng Tiên.
Không chỉ sở hữu nhan sắc yêu kiều, nàng còn thông minh hơn người, tinh thông cả văn chương lẫn địa lý. Năm 18 tuổi, Giáng Tiên kết hôn với Trần Đào Lang, một chàng trai quê ở thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, và sinh hạ được hai con – một trai, một gái.
Tuy nhiên, đến năm 21 tuổi, thời hạn của nàng ở trần gian đã hết, Giáng Tiên phải trở về Thiên đình. Sự ra đi của nàng khiến cả gia đình đau buồn. Dẫu vậy, vì còn vương vấn duyên trần, Mẫu thường xuyên hiện về để giúp đỡ dân chúng. Người dạy họ cách trồng lúa, nuôi gia súc, lập trường học cho trẻ em. Khi rảnh rỗi, Mẫu thường làm thơ, thổi sáo, như áng mây lơ lửng. Đôi khi, Người biến thành thiếu nữ ngồi thổi sáo dưới ánh trăng, lúc khác lại hóa thành bà lão chống gậy. Những ai có ý khinh nhờn, bỡn cợt đều sẽ gặp phải tai họa.
Lần giáng thế thứ ba
Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi Giáng Tiên về trời theo lệnh Hạn Định của Vua Cha Ngọc Hoàng, vì tình nghĩa thủy chung với chồng con nên lòng nàng vẫn luôn canh cánh, da diết nhớ mong cõi trần.
Năm Canh Dần (1650),bà lại giáng sinh tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá vào ngày 10 tháng 10, lấy hiệu là Liễu Hạnh và tái hợp với ông Trần Đào Lang lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai. Lần này giáng thế của Mẫu, trần gian trở nên loạn lạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh, các cuộc giao đấu xảy ra liên miên, khiến đời sống nhân dân cơ hàn, khổ cực, vì thế Mẫu đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Ngoài ra, còn nhiều huyền thoại khác về sự hiển linh của bà như việc bà giúp nhà Trịnh dẹp giặc, hội kiến với trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) khi ông đi xứ Trung Quốc về… Trong phủ còn có hẳn một bài thơ về cuộc du ngoạn tao phùng giữa bà với trạng Bùng được chạm khắc rất rõ ràng…
Lần này, Mẫu chọn ngày ra đi vào 23 tháng Chạp năm Mậu Thân 1668, khi bà vừa tròn 18 tuổi, khép lại huyền tích về ba lần giáng trần của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Để tưởng nhớ công đức của bà, nhân dân đã dựng nên Đền Sòng tại Thanh Hóa để thờ phụng.
Mẫu Liễu Hạnh trong đời sống văn hóa của người Việt
Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là một nhân vật thần thoại, mà còn là biểu tượng quan trọng trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người Việt. Ta thường thấy, trong các ban thờ tượng Tam tòa Thánh Mẫu thì Mẫu Liễu Hạnh chính là hiện thân của Mẫu Thượng Thiên, một trong ba vị thánh mẫu quan trọng nhất của Đạo Mẫu, đồng thời là biểu tượng của lòng yêu thương và sự bảo trợ cho mọi người. Người Việt tôn thờ Mẫu không chỉ để cầu xin sự bảo hộ, mà còn để tỏ lòng kính trọng đối với quyền lực thiêng liêng và tình thương bao la của bà.
Đền phủ và các lễ hội dân gian
Các đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh trải dài khắp miền Bắc và miền Trung Việt Nam, đặc biệt là các địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, và Hà Nội. Tiêu biểu trong số đó là Phủ Dầy ở Nam Định, nơi được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu và là nơi tổ chức lễ hội Phủ Dầy nổi tiếng. Tại các đền phủ, hình ảnh tượng Mẫu Liễu Hạnh thường được đặt ở vị trí trang trọng, trở thành biểu tượng thiêng liêng của sự che chở và bảo vệ. Ngoài ra, Đền Sòng ở Thanh Hóa, nơi gắn liền với câu chuyện giáng trần của Mẫu, cũng là địa điểm thờ phụng quan trọng, thu hút hàng ngàn người đến hành hương mỗi năm.
Lễ hội thờ Mẫu Liễu Hạnh thường được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, với các hoạt động phong phú như rước kiệu, diễn xướng hầu đồng, và các nghi lễ cầu phúc, cầu lộc. Lễ hội không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với Mẫu, mà còn là nơi giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ Phủ
Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh là một phần quan trọng trong hệ thống Đạo Mẫu – một tín ngưỡng dân gian đặc sắc và phổ biến của người Việt, tôn vinh các vị thần Mẫu cai quản trời, đất, sông, núi và nhân gian. Mẫu Liễu Hạnh đại diện cho Mẫu Thượng Thiên, cai quản vùng trời, là hiện thân của sự bảo trợ và che chở cho mọi người.
Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, các nghi lễ hầu đồng nhằm kết nối với các vị thánh thần, trong đó Mẫu Liễu Hạnh giữ vai trò trung tâm, là hình tượng được người dân đặc biệt tôn thờ. Nghi lễ hầu đồng không chỉ mang tính chất tôn giáo, mà còn là một hình thức nghệ thuật với âm nhạc, trang phục và văn hóa diễn xướng. Qua hầu đồng, hình tượng Mẫu Liễu Hạnh được tái hiện đầy sống động và linh thiêng, thể hiện sự gần gũi và sự bảo trợ mà bà mang lại cho cuộc sống con người.
Ảnh hưởng của Mẫu Liễu Hạnh trong văn học, nghệ thuật
Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh không chỉ hiện diện trong các câu chuyện dân gian, mà còn đi vào văn học và nghệ thuật Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Nhiều tác phẩm văn học dân gian như các bài văn tế, văn thánh, cùng với các truyền thuyết về Mẫu, đã trở thành một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân tộc. Những câu chuyện về sự giáng trần và những phép lạ của Mẫu đã được ghi chép và truyền miệng, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật dân gian như chèo, tuồng, và cải lương cũng khai thác sâu về hình ảnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đặc biệt là các vở diễn về cuộc đời và huyền tích của bà. Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh không chỉ đại diện cho một vị thần mà còn mang theo ý nghĩa nhân văn về lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự bảo vệ.
Huyền tích về ba lần giáng thế của Thánh Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là những câu chuyện kỳ ảo, mà còn mang trong mình những giá trị sâu sắc về văn hóa và tín ngưỡng của người Việt. Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của lòng nhân từ, sự bảo trợ và quyền uy của người phụ nữ. Qua những lần giáng thế, Mẫu đã để lại những dấu ấn không thể phai nhòa trong lòng dân tộc, trở thành một vị thánh mẫu được tôn kính không chỉ vì sự linh thiêng mà còn vì tình thương bao la đối với nhân gian.
Thờ cúng Mẫu Liễu Hạnh không chỉ là một nghi lễ tôn giáo, mà còn là sự tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp, kết nối giữa con người với thiên nhiên và thần linh. Trong đời sống người Việt, hình ảnh tượng Mẫu luôn giữ một vị trí quan trọng, là người mẹ thiêng liêng luôn che chở và mang lại bình an cho con cháu.