Tứ Phủ Quan Hoàng trong đạo Mẫu Tứ Phủ là ai?

23/09/202434 lượt đọc

Tứ Phủ Quan Hoàng là một trong những nhân vật quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng đạo Mẫu của người Việt, gắn liền với bốn miền Thiên Phủ (miền trời),Địa Phủ (miền đất đai),Thoải Phủ (miền sông nước) và Nhạc Phủ (miền rừng núi).

Các Quan Hoàng không chỉ được coi là những vị thần bảo hộ, mang lại sự bình an, phúc lộc cho dân chúng, mà còn đại diện cho trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm. Mỗi vị Quan Hoàng đều mang trong mình một câu chuyện truyền thuyết, gắn liền với đời sống tinh thần, văn hóa và lịch sử của dân tộc.

Tứ Phủ Quan Hoàng là những ai?

Tượng thờ các quan Hoàng được các nghệ nhân Sơn Đồng chế tác
Tượng thờ các quan Hoàng được các nghệ nhân Sơn Đồng chế tác

Tứ phủ Quan Hoàng chính là các Ông Hoàng trong đạo Mẫu, hay được dân gian gọi là Thập vị Quan Hoàng. Trong các ngôi đền hay điện thờ, trên bàn thờ Tứ phủ, ta thường thấy tượng các ông hoàng, như tượng Hoàng Bơ, Hoàng Bảy và Hoàng Mười, được tọa dưới hàng thứ tư (sau Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan và Tứ Phủ Chầu Bà). Đây là những vị hoàng khi sống thì cứu nước, cứu dân; khi mất lại hóa thân hiển linh cho giang sơn xã tắc, phù hộ cho nhân dân được no ấm yên bình. tượng ông hoàng được tọa dưới hàng thứ tư (sau Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan và Tứ Phủ Chầu Bà. Đây là những vị hoàng khi sống thì cứu nước, cứu dân; khi mất lại hóa thân hiển linh cho giang sơn xã tắc, phù hộ cho nhân dân được no ấm yến bình.

Quan Hoàng Cả 

Ông Hoàng Cả (hay Ông Hoàng Quận) là vị thánh đứng đầu trong Thập vị Quan Hoàng, có nhiệm vụ trông coi giữ sổ sách trên thiên đình.

Khi thanh nhàn, ngài thường rong chơi khắp các chốn bồng lai tiên cảnh “Khi chơi Thiếu Lĩnh, lúc chơi Non Bồng”. Khi trên thượng giới ngài thường cưỡi con Xích Long, lúc dạo trơi trên mặt nước Ông Hoàng cưỡi lốt Tam đầu Cửu vĩ. Có khi ông ngự lên cõi trần gian, phù hộ cho những người làm ăn buôn bán hay kẻ học hành khoa cử.

Quan Hoàng Cả rất ít khi về ngự đồng, khi về ngự, ngài thường mặc áo đỏ thêu hình rồng, đầu đội khăn xếp có thắt lét đỏ. Quan Hoàng Cả về ngự thường chỉ tấu hương, khai quan, thậm chí cũng có người hầu ông về múa hèo nhưng khá hiếm vì không nhiều người hầu về ông.

Quan Hoàng Cả không gián trần nên không có thần tích về các hiện thân của ông và vì thể ông thường hầu như không có đền thờ chính. Nghe nói trước tại Lý Nhân, Nam Hà (Hà Nam ngày nay) cũng có một ngôi đền thờ Ngài nhưng đã bị phá. Nay ông được thờ phối hương với đền thờ bà Vũ Nương và ở đền Trung suối Mỡ (Bắc Giang).

Quan Hoàng Đôi 

Quan Hoàng Đôi là hoàng tử thứ hai trong Thập vị Quan Hoàng. Theo lệnh vua cha giáng sinh lên cõi trần gian đầu thai làm Tướng Nguyễn Hoàng có công lớn trong việc “Phù Lê Dẹp Mạc”, mở mang bờ cõi đất nước xuống phía Nam. 

Lúc sinh thời, ông đóng quân ở Triệu Tường (Thanh Hóa) vì thể nhân dân còn gọi ông là Quan Hoàng Triệu. Nay đền thờ Quang Hoàng Đôi được lập ngay tại nơi xưa kia ông đóng quân gọi là Đền Triệu Trường ở đất Tống Sơn, núi Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài Đền Triệu Tường, ở Chèm (Hà Nội) cũng có một đền thờ gắn với nơi đóng quân của ông khi ra Bắc giúp vua Lê diệt nhà Mạc, gọi là là Đền Quan Triệu.

Cũng giống như Quan Hoàng Cả, Quan Hoàng Đôi ít khi ngự đồng, nếu ngự về, ông thường mặc áo thêu hình rồng màu xanh hoặc màu vàng. Ông giáng để tấu hương, khai quan, sau đó biểu diễn múa cờ lệnh (cờ lệnh đại, vuông, ngũ sắc).

“Thỉnh mời đệ nhị Quan Hoàng

Thống trị thiên hạ mọi nơi xa gần.

Thỉnh mời ông Hoàng đế tinh quân

Đệ Nhị ông ở rừng xanh ngự về”

Quan Hoàng Bơ Thoải

Quan Hoàng Bơ Thoải hay dân chúng gọi là Ông Bơ Thoải , là vị Quan Hoang thứ ba trong hàng vị Thập vị Quan Hoàng. Ông Hoàng Bơ thường ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy Phủ.

Có sự tích được nhân dân lưu truyền lại rằng: Ngài thường hiện lên thành vị Hoàng tử có dung mạo phi phương, cưỡi cá chép vàng biến trên mặt nước. Đôi khi, ngài lại biến hiện để ngao du thiên hạ, ngồi trên thuyền, rong chơi khắp chốn, cùng bạn tiên uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, trông trăng, đánh cờ, hương thú vui của bậc tao nhân mặc khách.

Ngoài ra, còn điển tích kể lại rằng, ngài là người em thân cận của Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ. Khi thanh nhàn, ngài thường ngự thuyền rồng, cùng dạo chơi khắp chốn. Thấy cảnh dân chúng còn đói khổ lầm than, ngài nhận lệnh của Vua Cha làm khâm sai cõi phàm trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bán làm ăn, người học hành đỗ đạt.

Quan Hoàng Bơ có 3 đền thờ là Đền Quan Hoàng tại Hàn Sơn (Thanh Hóa); Đền Hưng Long (Thái Bình) và Đền Vạn Ngang (Đồ Sơn, Hải Phòng). Mặc dù, mỗi nơi đều có những thần tích khác nhau về ngài nhưng tựu chung lại đều xuất phát từ tâm thức của nhân dân ta. Quan Hoàng Bơ phụng sự ở Thoải cung, hầu cận Mẫu Thoải nên vì thế khi về ngự đồng, ngài thường mặc trang phục trắng thêu rồng, đầu đội khăn xếp, tay cầm mái chèo.

Quan Hoàng Tư

Quan Hoàng Tư là con của Đức Vua Cha Hải Động Đinh, được sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần Thủy Cung Hoàng Tử, đứng sau Quan Hoàng Bơ Thoải và đứng trước Quan Hoàng Lục. Trong dân gian, Ngài còn được gọi là Quan Hoàng Tư Thủy Cung, vì Ngài là vị quan thứ tư trong Tứ Phủ Quan Hoàng, được Vua Cha giao nhiệm vụ cai quản miền Thủy Cung, trông coi sổ đền Rồng.

Do không giáng trần nên thần tích về ngài không có nhiều. Tuy nhiên, có người lại cho rằng ngài có giáng trần và hiện thân chính là tướng quân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu nổi tiếng vào thời vua Lê Trung Hưng.

Ngày nay, đền thở chính Quan Hoàng Tư tọa tại thôn Cửu Điện, Nhân Hóa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Quan Hoàng Tư cũng hiếm khi về ngự, nhưng mỗi lần về ngự ngài mặc áo vàng thêu rồng, khăn chít mỏ rìu, tay múa cờ lệnh và kiếm.

Quan Hoàng Năm

Quan Hoàng Năm là thánh hoàng thứ năm thuộc hàng Thập vị Quan Hoàng. Ngàu không gián trần, chính vì vậy ngài không có đền thờ riêng và cũng không có những thần tích về ngài. Nhiệm vụ của ngài trên thiên cung là gì không ai rõ và không ai biết ngài phù hộ cho dương gian được điều gì. Đó là những gì các cụ đồng cựu kể. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng Ngài có giáng trần và hiện thân của Ngài chính là Tướng Quân Hoàng Công Chất.

Rất  hiếm khi Quan Hoàng Năm ngự đồng, nếu có thì khi ngự đồng ngài mặc áo xanh thêu rồng kết uốn hành hình chữ thọ, đầu chít khăn mỏ rìu hoặc đi nét xanh, mạng chéo, đi ghệt tay và ghệt chân. Sau khi làm lễ khai quang, ngài ngự tọa, hiến tửu, nghe văn rồi xe giá.

Quan Hoàng Lục

Quan Hoàng Lục là vị quan hoàng thứ sau thuộc hàng Thập vị Quan Hoàng. Cũng như Quan Hoàng Tư, Quan Hoàng Năm, Quan Hoàng Lục không gián trần vì vậy các thần tích về ngài được lưu truyền rất mơ hồ. 

Một trong câu chuyện đáng chú ý đó là việc Quan Hoàng Lục đầu thai xuống phàm giới thành An Biên tướng quân Hoàng Lục - vốn là tộc trường người Tày, cai quản và bảo vệ biên cương phía Bắc, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống dưới triều Lý. Sau khi An Biên tướng quân Hoàng Lục qua đời, để tưởng nhớ ngài nhân dân trong vùng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông. Hiện nay, đền thờ an Biên tướng quân Hoàng Lục tọa lạc trên ngọn đồi Đoỏng Linh, thuộc làng Chi Chơi, xã Đình Phong (Trùng Khánh) - Cao Bằng.

Quan Hoàng Lục cũng khi về ngự đồng, chỉ khi vào dịp tiệc chính hoặc khi được thỉnh tại đền thờ chính mới thấy ngài về ngự. Khi giáng đồng, ngai thường mặc áo đỏ (có nơi là áo đen hoặc áo xanh) được thêu hình rồng và chữ “Thọ”, bên ngoài khoắc thêm áo choàng. Trong lúc ngài ngự về, Quan Hoàng Lục thường khai quang, múa cơ sau đó ngự, tửu, nghe văn rồi xe giá.

Quan Hoàng Bảy

Tượng ông Hoàng Bảy tại Bảo Hà - Lào Cai
Tượng ông Hoàng Bảy tại Bảo Hà - Lào Cai

Quan Hoàng Bảy khác với các vị Quan Hoàng khác một nhân vật có thật trong lịch sử. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ người trong đạo mà còn cả những người ngoại đạo thường xuyên nhắc tới ông nhiều nhất, được nhân dân tôn kính phụng thờ. tượng Hoàng Bảy xuất hiện ở khắp các đền, điện, phủ trong đạo Mẫu, đều có một ban thờ riêng cho ngài.

Quan Hoàng Bảy hạ trần vào thời nhà Lê, húy là Nguyễn Hoàng Bảy và được phong là Thượng Đẳng Thần Vệ Quốc.

Vào thời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (17940 - 1786),khắp vùng Bảo Hà và biên cương phía bắc, giặc giã bên Trung Quốc tràn sang cướp phá, các tù trưởng cát cứ đánh phá lẫn nhau. Tạo nên một thế nguy hiểm: Thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, triều đình đã của một danh tướng tên là Nguyễn Hoàng Bảy lên trấn thủ biên ải. Đối với giặc ngoại xâm, Tướng Nguyễn Hoàng Bảy đánh đâu thắng đó, phá tan thế giặc ngoại xâm. Chiến tích đầu tiên của ông là giành lại được  khu Khảu Bàn (Bảo Hà ngày nay) và xây dựng nơi đấy thành căn cứ lớn nhất trong vùng. Hiện nay, được nhân dân lập đền thờ chính tại nơi này để tưởng nhớ công ơn của ông.

Quan Hoàng là một trong Thập vị Quan Hoàng thường hay về ngự đồng nhất và chấm lính bắt đồng. Nhiều người truyền tai nhau rằng, ai được Quan chấm chọn hay có căn sát với Quan thì người ấy thường thích uống trà tàu, hút thuốc phiện, đánh xóc đĩa, tổ tôm… Đây đều là cách mà Quan Hoàng tiếp cận với các thổ tì, tù trường để cám hóa họ, tạo nên sự đoàn kết và ổn định biên cương.

Khi ngự đồng, ông thường mặc áo tím chàm hoặc lam, được thêu rồng uốn lượn thành hình chữ thọ. Trên đầu, ông đội khăn xếp thắt lét lam, cài kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về làm lễ tấu hương, khai quang và cầm đôi hèo để chấm đồng.

“Hoàng Nhắn ai lên đất Bảo Hà

Nếm mùi phong nguyệt ấy là thần tiên

Cõi Bắc địa còn truyền cổ tích

Hoàng Bảy Bảo Hà thực đích trung quân

Sinh thời làm tướng trung thần

Mán nùng sơn trại muôn dân quy đầu”

Quan Hoàng Bát

Trong hàng Thập vị Quan Hoàng của Tứ phủ, Quan Hoàng Bát được xếp thứ tám, đứng trước Quan Hoàng Chín Cờn và sau Quan Hoàng Bảy Bảo Hà. Ngài là một nhân vật lịch sử có thật, nổi tiếng là vị tướng tài và anh hùng dân tộc của người Tày – Nùng ở vùng đất thượng cổ Cao Bằng.

Quan Hoàng Bát, hay còn gọi là Nùng Chí Cao,  là con của thủ lĩnh Nùng Tôn Phúc và bà A Nùng. Ông được người Tày tại Quảng Nguyên, nay là Cao Bằng, suy tôn làm thủ lĩnh. Về sau, ông được triều đình nhà Lý phong tặng danh hiệu Thái Bảo tướng quân, chịu trách nhiệm trấn giữ và bảo vệ bình yên cho vùng biên cương Cao Bằng.

Quan Hoàng Nùng nay được thờ tại Đền Kỳ Sầm (gần thành phố Cao Bằng). Ngài hầu Mẫu thượng đồng đẳng, phụ trách công việc lục bộ nội chính. Do đó, chỉ có ai mang căn lục bộ thì mới có thể hầu giá Quan Hoàng Bát. Khi về ngự giá đồng, y phục ngài là màu vàng, đầu đội khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, mạng chéo, làm lễ tấu hương, khai quan rồi múa đôi trùy đồng (hoặc múa cờ, kiếm) và múa võ.

  • Quan Hoàng Chín

Quan Hoàng Chín Cờn Môn hay còn gọi là Ông Chín Cờn, Ngài là con Đức Vua Cha, là Quan Hoàng có tính yểu điệu nhất. Chỉ có những đồng cựu hay ai sát căn duyên Ngài thì mới được bắc ghế hầu. Về đồng mặc áo dài đen, chân đi guốc, tay cầm ô, mặc kiểu ông đồ thời cổ Việt Nam. Ông về đồng giáng bút, ngâm thơ, uống rượu bằng bát. 

Gốc tích của ông ít được lưu truyền, tuy nhiên ông có giáng trần, sinh sống dưới thời nhà Lý. Với tài văn chương, thơ phú kinh luân biệt tài. Ồng đăng khoa triều đình lúc tuổi vừa đôi tám. Và Ông cũng là một tướng tài được giao trọng trách thống lĩnh cửa Cờn Môn. Chính vì thế nhân dân còn gọi là Ông Hoàng Chín là Ông Cờn Môn. Sau ông còn là vị quan thanh liêm, cứu dân, giúp nước và luôn trợ người hữu duyên.

Quan Hoàng Mười

Cổng đền Quan Hoàng Mười tại Nghệ An
Cổng đền Quan Hoàng Mười tại Nghệ An 

Quan Hoàng Mười (hay Ông Hoàng Mười, Ông Mười Nghệ An),là con Vu Cha Bát Hải Động Đình. Trước đây vốn là thiên quan trên Đế Đình, nghe theo lệnh mà giáng trần để giúp dân phù đời. Ngài nổi danh là người tài hoa, văn võ song toàn, thanh liêm, chính trực được muôn dân kính nể. Chính vì thể, tượng Quan Hoàng Mười được người dân hương khói, thờ phụng Ngài trong hầu khắp các ngôi đền, điện thờ…

Huyền tích về Quan Hoàng nổi tiếng khắp miền. Về thân thế của ông khi hạ phàm thì có rất nhiều dị bản. Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Quân Nguyễn Xí. Có tài liệu cho rằng Ông là hiện thân của Tướng Lê Khôi, lại có một dị bản khác cho rằng ông chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai Vua Lý Thái Tổ. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chuyện Ông giáng sinh ở đất Nghệ An, lập ra nhiều công lao giúp dựng nước an dân, chiến công hiển hách.

Đền thờ chính Quan Hoàng Mười thường được dân chúng đến là Đền Hưng Nguyên nằm ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, ngoài Đên Hưng Nguyên, bên đất Hà Tĩnh cũng có ngôi đền thờ Ngài là Đền Chợ Củi.

Giống như Quan Hoàng Bảy thì Quan Hoàng Mười là vị hay về ngự Đồng nhất, hầu như thanh đồng nào cũng sẽ mở giá mời Ông Hoàng Mười về để ban tài phát lộc, phù hộ cho người làm ăn buôn bán hoặc những người ham học. Lúc về ngự Đồng, Quan Hoàng Mười mặc trang phục màu vàng thêu rồng, đầu đội khăn xếp, thắt đai vàng, cài trâm vàng. Làm lễ khai quang, lấy quạt làm sách, lấy trâm làm bút mà đề thơ.

Ý nghĩa khi thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng

Việc thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng trong đạo Mẫu mang ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng. Trước hết, người dân thờ cúng để cầu mong sự bảo hộ và bình an cho gia đình và cuộc sống. Các vị hoàng được xem như những thần bảo vệ, giúp tránh khỏi tai ương, bệnh tật và mang lại may mắn.  Bên cạnh đó, người thờ cúng cũng cầu mong sự giúp đỡ từ các vị thánh trong công việc, cuộc sống và kinh doanh, nhất là những vị hoàng liên quan đến tài lộc như Quan Hoàng Thoải hay Quan Hoàng Bảy.

Ngoài ra, thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng còn là thể hiện lòng tôn kính và tri ân đối với các anh hùng dân tộc, những người có công lớn trong việc bảo vệ đất nước. Quan Hoàng Đôi, Quan Hoàng Bảy hay Quan Hoàng Mười đều là những tướng lĩnh lịch sử có thật, được người dân ghi nhớ và tôn vinh. Việc thờ cúng các vị hoàng cũng là cách để con cháu thể hiện lòng thành kính với lịch sử và cội nguồn. Nghi thức thờ cúng này không chỉ có giá trị tâm linh mà còn là sự gắn kết giữa con người với tổ tiên, lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

Tứ Phủ Quan Hoàng trong đời sống văn hóa

Trong đời sống văn hóa người Việt nam, Tứ Phủ Quan Hoàng không chỉ có vai trò trong tín ngưỡng thờ Mẫu, mà còn có sức ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh từ những câu chuyện trong dân gian tới nghệ thuật và cả trong đời sống ngày nay. 

Từ trong đời sống dân gian

Trong đời sống văn hóa người Việt, tín ngưỡng thờ Tứ Phủ Quan Hoàng xuất phát từ lòng tin rằng các vị Quan Hoàng có quyền năng đặc biệt để che chở, bảo vệ và ban phúc cho con người. Họ xuất hiện ở nhiều nơi thờ tự, đặc biệt là các đền, phủ, miếu, nơi người dân đến để cầu an, cầu tài lộc, và cầu sức khỏe. Các nghi lễ thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng không chỉ phổ biến ở khu vực miền Bắc mà còn lan tỏa rộng rãi tới cả miền Trung và miền Nam.

Các vị Quan Hoàng tương ứng với các quyền năng khác nhau, nổi bật nhất là Quan Hoàng Mười, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Đệ Nhị, và Quan Hoàng Đệ Ngũ. Trong các dịp lễ hội, đặc biệt là những dịp lễ hội lớn như lễ hội đền Sòng Sơn (Thanh Hóa) hay đền Bảo Hà (Lào Cai),hàng nghìn người hành hương về các nơi thờ cúng này để dâng lễ và xin lộc từ các vị Quan Hoàng.

Tính nghệ thuật

Một trong những điểm đặc sắc của tín ngưỡng Tứ Phủ là nghi lễ hầu đồng, trong đó người thực hiện hầu đồng sẽ tái hiện lại hình ảnh của các vị Quan Hoàng thông qua các trang phục, đạo cụ và vũ điệu. Trong các nghi thức này, các vị Quan Hoàng được hiện hình qua những bộ trang phục đầy màu sắc tượng trưng cho bốn phủ, và người hầu đồng sẽ nhập vai các vị Quan để ban phúc lành, giúp đỡ những người đến xin lộc. 

Nghệ thuật hầu đồng không chỉ có giá trị về mặt tâm linh mà còn là một phần di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người Việt Nam. Tính nghệ thuật trong nghi lễ này giúp tín ngưỡng thờ Tứ Phủ Quan Hoàng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt, phản ánh sự kết hợp giữa lòng tôn kính với các yếu tố dân gian và nghệ thuật trình diễn.

Trong đời sống hiện đại

Mặc dù tín ngưỡng thờ Mẫu và Tứ Phủ Quan Hoàng có nguồn gốc lâu đời, nhưng cho đến nay, tín ngưỡng này vẫn giữ được sức sống mãnh liệt trong xã hội hiện đại. Các lễ hội và nghi lễ thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng được tổ chức hằng năm đã thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện lòng tín ngưỡng sâu sắc của người Việt mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa

Tứ Phủ Quan Hoàng đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa và đời sống tâm linh của người Việt. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Tứ Phủ Quan Hoàng nói riêng và nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây không chỉ phản ánh sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa dân tộc mà còn giúp khẳng định bản sắc văn hóa Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

5/5 (2 bầu chọn)