Đức Ông (Đức Chúa Ông) - Vị thần Hộ Pháp của Nhà Phật

08/09/202443 lượt đọc

Khi bước vào các ngôi chùa, không khó để ta nhìn thấy bên trái ban Tam Bảo có gian thờ riêng thờ Đức Ông (hay Đức Chúa Ông). Người ta thường chỉ cho nhau khi vào chùa nên lễ ban Đức Ông trước. Vậy Đức Ông là ai? Công trạng của ông như thế nào mà được người dân tôn kính, thậm chí còn được lễ trước cả lễ Tam Bảo Phật?

Về lịch sử Phật giáo Việt Nam

Theo các di tích lịch sử tại đình chùa xưa và sử liệu để lại, Phật giáo được du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm (thế kỷ I SCN). Bằng nhiều con đường khác nhau, Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ sang Giao Chỉ. Ngoài hai trung tâm Phật giáo Lạc Dương, Bành Thành (Trung Hoa),thì Luy Lâu (Giao Chỉ) cũng là trung tâm Phật giáo lớn, quan trọng và phát triển phồn thịnh. Phật giáo Việt Nam song hành cùng với dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong suốt hơn 2000 năm, chính vì vậy, đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của những cư dân Đồng bằng Bắc Bộ đã gắn liền với hình ảnh mái chùa, giếng nước, sân đình.

Tượng Đức Chúa Ông được thờ trong không gia chùa chiền
Tượng Đức Chúa Ông được thờ trong không gia chùa chiền

Mỗi khi cư dân mở làng lập ấp, việc đầu tiên mà tổ tiên chúng ta chú trọng đó là xây dựng Đình và Chùa - bởi người xưa thường ví Đình, Chùa là “Mộ cổ của nhân dân”

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hơm, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi…

Tìm hiểu về Đức Ông 

Đức Ông là ai?

Đức Ông (hay Đức Chúa Ông),là một đệ tử tại gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có tên. Theo các kinh điển Phật giáo, tên thật của ông là Sudatta (Tu Đạt),là một Trưởng giả giàu có ở Kinh đô Xá Vệ (Shravasti) của Kosala - vương quốc phía Đông Bắc Ấn Độ. Ông nổi tiếng vì thường ngày chu cấp cho những kẻi khốn khó, cô đơn. Tiếng lành vang lừng khắp cả vương quốc cho nên mọi người đã kính mến tặng ông biệt hiệu là “Cấp Cô Độc” (tiếng Phạn “Cấp Cô Độc”) có nghĩa là kẻ cứu giúp kẻ khốn khó, cô đơn .

Cấp Cô Độc là một trong những đệ tử hào phóng nhất của Đức Phật Thích Ca, kinh điển nhất đó là ông đã cúng dường một khu vườn từ Thái tử Kỳ-Đà cho giáo đoàn của Đức Phật để làm nơi thuyết pháp và tu hành (sau này gọi là Tịnh xá Kỳ Viên) . Trong khu vườn đó, ông đã trải đây 1.8 triệu miếng vàng, biểu trưng cho lòng mộ đạo với Phật pháp và lòng từ bi vô hạn của mình. Sau khi qua đời, Cấp Cô Độc được sinh vào cõi trời Tusita (nơi các Bồ Tát cư trú).  

Ở Việt Nam, Cấp Cô Độc được gọi là Đức Ông (hoặc Đức Chúa Ông). Với những công đức dành cho Phật giáo, cho nên dù không phải là Phật nhưng Đức Ông vẫn được nhân dân ta lập ban thờ riêng trong các ngôi chùa và truy tôn làm Long Thần hộ pháp, là“vị thần trông coi và bảo vệ chùa.

Sự tích Đức Ông trong Kinh Phật

Trong Kinh Phật có kể về một sự tích về Đức Ông với Đức Phật Thích ca như sau:

“Hôm ấy, Tu Đạt đến thành Vương Xá (Rājagaha) để thăm một người anh rể, nhưng người anh rể không ra tận cửa đón ông như mọi khi. Đến khi ông vào nhà và đi ra tận nhà sau thì thấy mọi người đang bận rộn chuẩn bị một bữa tiệc. Hỏi ra mới biết là gia đình người anh rể đang chuẩn bị đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau. Vừa nghe đến tiếng “Phật” là lòng ông cảm thấy một niềm hoan hỷ lạ thường, nên ông cũng mong mỏi gặp được Phật để thấy tận mắt xem sao, mà mới vừa nghe nói tới là lòng đã thấy an lạc như vậy, ông nao nức muốn gặp mặt Phật càng sớm càng tốt.

Sau khi gặp và nghe bài pháp đầu tiên của Đức Phật, tâm ông bỗng bừng sáng và xin Phật cho ông làm để tử tại gia, Phật hoan hỉ chấp nhận. Khi Đức Phật hướng dẫn các Chư Tăng đến Thọ lễ cúng dường tại nhà người anh rể, Đức Ông cũng thỉnh Phật cùng các vị Chư Tăng ngay hôm sau đến đây để thọ lễ trai tăng do chính ông cúng dường.

Trong lễ trai tăng này, Tu Đạt đã thành khẩn thỉnh cầu Đức Phật và Chư Tăng sang Xá Vệ - quê hương của ông để truyền bá Chính Pháp. Ông phát nguyện sẽ kiến lập một tu viện lớn tại kinh thành Xá Vệ để cúng dường Phật và giáo đoàn, làm cơ sở tu học và hành đạo tại vương quốc Kosala. Lời thỉnh cầu trên của ông đã được Phật hứa khả…”

Hình tướng của Đức Ông và ban thờ Đức Ông

Tượng Đức Ông có hình dáng quan văn; đầu đội mũ cánh chuồn; ngồi theo thế hiền tọa hai chân song song; mặt đỏ, râu dài và đen; vẻ mặt nghiêm nghị. Tay phải Ông cầm bút, tay trái cầm sổ ghi chép các công đức thành tấm của mọi người khi đến lễ Phật tại chùa.

Các ban thờ Đức Ông và Thánh Tăng xuất hiện trong điện Phật của người Việt khá muộn khoảng sau thế kỷ 19. Trong các ngôi chùa Việt, ban thờ Đức Ông còn gọi là ban Thập Bát Long Thần, trong sách cúng Phật Đại Khoa có lời thỉnh Thập Bát Long Thần Già Lam Chân Tể, chính là thỉnh Đức Chúa Ông.

Trên ban thờ, còn có hai pho tượng hai bên tượng Đức Ông cũng được gọi là tượng Già Lam và Chân Tể. Hai vị này có nhiệm vụ ghi chép các việc diễn ra trong chùa nên tay các vị này cầm bút, cẩm sổ. Hai vị này thường được tạc theo lối vắt chân chữ ngũ, đội mũ cánh chuồn, trang phục kiểu quan văn, cũng có khi thể hiện một nhân vật quan văn, một nhân vật quan võ

Công lao của Đức Ông

Đối với các Phật tử, Cấp Cô Độc là người có công rất lớn trong sứ mệnh hoằng pháp và cải tiến xã hội thời đức Phật tại thế, với những cống hiến cả về đạo và đời. Về mặt đời, ông đóng góp tích cực và hữu hiệu công tác cải tiến xã hội việc lập các trung tâm dạy nghề, cứu đói, viện dưỡng lão, trại mồ côi, luôn chuẩn bị sẵn 500 khẩu phần ăn tại nhà cho những người xin ăn nghèo đói. Về mặt đạo, ông được coi là vị hộ pháp, là bậc thánh đã đắc Sơ quả Tu Ðà Hườn (Sotàpanno).

Vì có công lớn hộ trì Chính Pháp, lại trọn vẹn các hạnh từ, bi, hỉ, xả nên Cấp Cô Độc được tạc hình tướng, thờ trong các ngôi chùa được gọi là tượng Đức Ông. Ban thờ tượng Đức Ông luôn được đặt bên tay trái của ban Tam Bảo (tay phải là ban Thánh Hiền),chủ ý rằng người hoằng pháp là tu sĩ, còn hộ pháp là các cư sĩ tại gia. Khi vào lễ chính điện, mọi người thường vào từ cửa tay trái, tới ban Đức Ông lễ trước để bẩm báo vì ngài có công xây chùa, tạc tượng.

Đức Ông trong văn hóa Việt Nam

Một số hình ảnh tượng Đức Chúa Ông trong chùa Việt Nam
Một số hình ảnh tượng Đức Chúa Ông trong chùa Việt Nam

Khi bước vào lễ chính điện, ta thường bước vào từ cửa bên trái, trước tiên đến lễ ban của Đức Ông để bẩm báo. Theo quan niệm tâm linh, Ông không chỉ có công xây dựng chùa, mà còn là vị thần canh giữ cho ngôi chùa. Đây vừa là sự kính trọng, tôn thờ với công lao của ngày và vừa là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt khi đến chùa.

Trong đời sống tín ngưỡng người Việt, Đức Ông còn là người phù hộ trẻ em. Tương truyền rằng, lúc sinh thời, Ông thường xuyên cưu mang “mẹ góa con côi”. Theo dân gian, những đứa trẻ khó nuôi hay quấy khóc, sức khỏe yếu thì cha mẹ sẽ “bán khoán” đứa con lên chùa vào cửa Đức Ông. Sau khi mãn hạn “bán khoán”, gia đình có thể làm lễ chuộc hoặc tiếp tục “bán” cho chùa thêm bao lâu tùy chọn.

Chuyện “bán khoán” trẻ con xuất phát từ mong muốn đứa trẻ được nhận phúc đức của Ông che chở, bảo vệ và chăm lo cho đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe. Đồng thời việc làm này còn giúp con trẻ ngoan ngoãn hơn, bớt nghịch ngợm, ngỗ ngược, chủ yếu là bé trai sẽ “bán” nhiều vào cửa Ông. Những đứa trẻ này sẽ được gọi là “con khoán” được dạy bảo và hướng dẫn tại chùa để học hỏi và làm theo những nguyên lý và điều dạy của Đức Ông.

Ngoài ra, Đức Ông cũng được tôn kinh như một vị thương gia trước khi quy y làm đệ tử của Phật. Với khả năng hiểu biết về các kho tàng của cải trong thế gian, nên Ông cũng được người dân cầu nguyện trong các việc liên quan tới kinh doanh, buôn bán, sự nghiệp…

Đức Chúa Ông không chỉ là một vị thần hộ pháp quan trọng trong Phật giáo mà còn là biểu tượng của lòng từ bi và hộ trì trong đời sống. Việc thờ cúng, tôn kính Ông, các tín đồ không chỉ tìm thấy sự an lạc và bình yên mà còn được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc sống đạo đức, sự cống hiến cho cộng đồng và bảo vệ những giá trị tốt đẹp của đạo Phật. 

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc duy trì và phát huy các nghi lễ thờ cúng Đức Chúa Ông không chỉ là một hành động tôn kính mà còn là cách để gìn giữ và phát triển di sản văn hóa, tôn giáo của dân tộc. Như vậy, Đức Chúa Ông không chỉ hiện diện trong các ngôi chùa, mà còn trong tâm thức của mỗi tín đồ Phật giáo, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh và văn hóa xã hội.

5/5 (2 bầu chọn)