Nhiều người cho rằng việc thờ Mẫu từ xa xưa bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Đất Mẹ có từ thời tiền sử. Trong Đạo Mẫu hầu hết các đền, điện, phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam–Tứ phủ, ta thường thấy có tôn tượng của “Tam Tòa Thánh Mẫu” với sắc áo đỏ, xanh, trắng lần lượt là tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ),miền Rừng (Nhạc phủ),miền Nước (Thoải phủ).
Tam Tòa Thánh mẫu là ai?
Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu mà ta thường thấy trên các ban thờ gồm 3 ngôi tương ứng với 3 vị Thánh Mẫu khác nhau: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ.
Mẫu Thượng Thiên còn được gọi là Mẫu Đệ Nhất phụ trách cai quản miền trời. Với quan niệm của dân gian Mẫu Thượng Thiên có quyền năng tạo ra mây, mưa, sấm, chớp và có liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc ta. Đền thờ Mẫu Thượng Thiên có ở khắp nơi. Ngày hội chính của Mẫu Đệ Nhất được biết đến là ngày 3/3 âm lịch. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Nhất thường tọa ở chính giữa khoác trên mình màu áo đỏ.
Mẫu Thượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị phụ trách cai quản miền rừng núi. Bà biểu tượng cho sự gắn bó với con người, cây cỏ và chim, thú. Nơi nào có rừng, có núi, nơi đó có đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn cũng được đặt ở nhiều nơi nhưng hai nơi thờ phụng chính là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn). Ngày hội của Đệ Nhị Thánh Mẫu là 20/09 âm lịch. Trên ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, bà ngồi bên tay trái Mẫu Thượng Thiên và khoác trên mình màu áo màu xanh.
Mẫu Thoải hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thủy),phụ trách cai quản miền sông nước gắn liền với đời sống thủy sinh của người dân từ xa xưa và có liên đới trực tiếp tới thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Đền thờ Mẫu Thoải được dựng nhiều ở nơi cửa sông, cửa. Ngày hội chính của Mẫu thoải là ngày 10/06 âm lịch.
Trong Tam Tòa Thánh Mẫu không thấy sự xuất hiện của Mẫu Địa bởi có người cho rằng, nếu theo giả thuyết “Thiên – địa đồng quy” (Đất trời là một) thì Mẫu Thượng Thiên còn cai quản cả địa phủ. Còn có giả thuyết khác cho rằng Mẫu Địa cũng chính là Mẫu Thượng Ngàn bởi miền Rừng cũng thuộc miền Đất.
Có tài liệu cho rằng, Tam Tòa Thánh Mẫu thực chất là ba lần hiện thân của Mẫu Liễu Hạnh khi giáng trần hay nói cách khác, Mẫu Liễu Hạnh đã hóa thân vào cả ba là Thượng Thiên, Thượng Ngàn và Thoải Phủ. Một số nơi, người ta thờ Mẫu Cửu Trùng ở chính ban, nhưng cũng có những nơi lại thờ bà ở ngoài trời cho thập phương bái vọng.
Ý nghĩa Ban thờ mẫu
Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc nước ta đều có một điều đặc biệt đó chính là có các bàn thờ chư vị tức là các vị thánh của Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ Mẫu mang đậm tính bản địa và nguyên thủy vì có nguồn gốc sâu xa từ chế độ mẫu hệ.Trong chế độ này, người đóng vai trò quan trọng nhất trong gia đình chính là phụ nữ, người mẹ, người vợ.Vì vậy trong hầu hết các ngôi chùa, bên cạnh việc thờ phụng các vị chư Phật còn lập thêm bàn thờ Mẫu.
Từ xa xưa, tín ngưỡng thờ Mẫu đã đi sâu vào tiềm thức người Việt với ý nghĩa hướng về cội nguồn đất mẹ. Là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng, khao khát được giải thoát bản thân khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội xưa.
Cấu trúc đền thờ thánh mẫu
Đạo thờ Mẫu được bài trí rất đa dạng, phải tùy từng nơi mới có thể nói cụ thể. Song nhìn chung thì điện thờ mẫu được bài trí như sau:
Hậu cung (cung cấm) là nơi thâm nghiêm để đặt TAM TÒA THÁNH MẪU
- Tượng Mẫu ở vị trí cao nhất, chính giữa, có sắc phục màu đỏ. Đó là tượng Chúa Liễu Hạnh, hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên (Mẫu Nghi Thiên Hạ).
- Tượng bên phải có sắc phục màu xanh là Mẫu Đệ Nhị Thượng.
- Tượng phía bên trái là tượng Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ mặc sắc phục trắng.
Mặt Tiền của Hậu Cung là một ban thờ lớn được gọi là Công Đông Tứ Phủ ban thờ này bao gồm 3 lớp tính từ phía hậu cung trở ra
- Lớp thứ nhất chính giữa là Ngọc Hoàng Thượng Đế hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.
- Lớp thứ 2 bao gồm 5 Ngũ vị Tôn Quan:
- Quan Đệ nhất Thượng Thiên (áo đỏ)
- Quan Đệ nhị Giám Sát quyền cai thượng Ngàn (áo xanh)
- Quan Đệ Tam Thoải Phủ cai bản mệnh Thanh Đồng (áo trắng)
- Quan Đệ Tứ Khâm sai quyền cai tứ phủ (áo vàng)
- Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, quyền cai quản âm binh nhà trời (áo tím)
- Lớp thứ 3 là hai Ông Hoàng:
- ÔNG BẨY mang sắc phục màu xanh
- ÔNG MƯỜI mang phục màu vàng
- Hai bên tả hữu cung thờ là Động Sơn Trang và Cung Đức Thánh Trần.
- Ở phía dưới ban thờ Công Đồng Tứ Phủ thường thờ Quan Ngũ Hổ cùng Thanh Xà Bạch Xà.
Người ta nhận diện nơi thờ Mẫu nhờ vào từng nét riêng trong từng chi tiết của kiến trúc tổng thể của điện thần, nhất là ở sự bày bố điện thờ và những nghi thức cầu cúng. Chính những nét riêng ấy đã khiến cho tín ngưỡng này là một hình thức tín ngưỡng thuần phác và đặc biệt của dân tộc Việt.