Lễ hội "Giằng Bông" có từ thời tướng Lý Phúc Man. Trong một lần đi qua Sơn Đồng, vị tướng đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân và tiện cho việc rèn luyện binh lính. Tướng Lý Phúc Man đã dùng ngọn tre cho các quân sĩ tham gia tranh tài để chọn ra người có sức khỏe nhất trong cả đoàn. Hội diễn ra vào ngày 6/2 âm lịch hàng năm, tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây là một lễ hội lớn được tổ chức ngay sau Tết nguyên đán, trước khi những ngày mùa diễn ra để cầu chúc những điều may mắn và tốt đẹp nhất cho năm mới. Trai làng chính là "người chơi" chính trong hội "Giằng Bông", họ chỉ chờ hiệu lệnh là đua nhau giành lấy cây bông để hi vọng có một năm làm ăn thuận buồn xuôi gió và sinh được con trai. Ngoài người trong làng thì lễ hội Giằng Bông thu hút rất nhiều du khách trong ngoài nước tới tham dự.
Lễ hội "Giằng Bông" là lễ hội truyền thống của làng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Ý nghĩa của lễ hội là tìm ra người khỏe mạnh và mưu trí nhất để dẫn binh lính xông pha trận mạc hay hiểu đơn giản là tìm ra người thủ lĩnh có sức khỏe đứng đầu dẫn binh đi đánh giặc. Đến thời bình, lễn hội "Giằng Bông" vẫn được tổ chức với quan niệm rằng người giằng được bông sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi trong công việc. Đặc biệt, những người sắp hoặc đang có gia đình thì trong năm đó sẽ sinh được quý tử. Ai giành được sợi của cây bông cũng sẽ gặp may mắn cho cuộc sống trong suốt cả năm.
Sau khi thực hiện đầy đủ các nghi lễ cần thiết, bắt đầu là trao lộc nhà Thánh cho những người tham gia.
Cụ từ trong làng bưng ra một đĩa xôi trắng tung xuống để người chơi phía dưới bắt lấy nhằm động viên, khích lệ và tăng cường sức khỏe.
Sau màn trao lộc, cây bông mới chính thức được mang ra.
Qua tìm hiểu, cây bông là cây tre đực, gióng đẹp, có độ dài từ 1m15 đến 1m27 có 5 đốt, thuộc cung ngũ phúc rồi vót bông trắng tinh, cuốn xù từng gióng sau đó lấy giấy gắn lại và thêm tua rua cho đẹp.
Người mang bông ra phải là người có sức khỏe, múa và quay cây bông sao cho đúng hướng, đủ cả hai bên lối đi của đình.
Trên sân đình lúc này đã có rất nhiều thanh niên trai tráng, khỏe mạnh đã sẵn sàng chờ hiệu lệnh bắt đầu thi nhau giằng cây bông may mắn.
Hình ảnh thanh niên trong làng giằng bông nhộn nhịp, náo nhiệt
Người giành được cây bông giơ cao lên không.
Có tất cả hai lượt giằng bông. Đến khi nào cây bông được một người duy nhất giơ thẳng đứng lên trời thì lượt chơi mới kết thúc, nếu vẫn còn người khác cầm vào, bông sẽ tiếp tục được giằng.
Hai cây bông được để ở đình sau khi đã có chủ, gia đình người giằng bông phải đem lễ đến cúng mới được đem về để trên bàn thờ nhà mình.
Biến tướng lễ hội "Giằng Bông" Sơn Đồng
Khoảng sân nhỏ ở đình Sơn Đồng là trận địa để diễn ra hội giằng bông. Hàng trăm thanh niên trai tráng ào vào kẻ hô người hét, chen lấn, xô đẩy giẫm đạp lên đầu nhau cùng tranh giành. Nhiều vụ ẩu đả xô xát đã diễn ra trước sự chứng kiến của hàng ngàn du khách thập phương.
Ngày xưa, thời các cụ thì những cây bông được giằng rất lâu, các binh sĩ giằng đến nửa ngày mới xong. Tuy nhiên đến ngày nay, việc giằng bông diễn ra nhanh chóng với không khí rất náo nhiệt nhưng lại nặng tính bạo lực. Lễ hội "Giằng Bông" nhưng thực tế lại chỉ toàn hình ảnh tranh cướp náo loạn thậm chí là đánh nhau tới chảy máu mồm, rách cả áo, văng tục, chửi thề rất thiếu văn hóa. Điều này quả thật là những điều không hay ở lễ hội nhưng chung quy mọi người đều quan niệm khi hết hội thì chẳng còn ai để bụng những va chạm xích mích đó.
Tục "Giằng Bông" là nét văn hóa riêng của người Sơn Đồng cần được gìn giữ. Để tránh biến tướng, biến dạng, mê tín dị đoan ở lễ hội mong cơ quan chức năng phối hợp tổ chức & quản lý, tăng cười lực lượng an ninh để lễ hội "Giằng Bông" của làng Sơn Đồng về đúng giá trị và ý nghĩa của nó.
Nguồn tin từ: