Nguồn gốc tòa Cửu Long
Tòa Cửu Long, một biểu tượng trong Phật giáo Việt Nam, có nguồn gốc từ truyền thuyết cổ xưa kể về sự ra đời của Đức Phật Thích Ca. Truyền thuyết kể rằng khi Đức Phật mới được sinh ra, có 9 con rồng (Cửu Long) phun nước thơm xuống để tắm rửa cho Ngài. Mỗi bước chân của Ngài đều làm nảy mầm hoa sen thơm ngát. Sau khi đi 7 bước chân, Ngài đưa tay trái lên trời, chỉ tay phải xuống đất và nói rằng: “Thiên Thượng Thiên Hạ, duy ngã độc tôn”.
Dựa trên truyền thuyết này, khi xây dựng tượng Đức Phật đản sinh, người dân Việt Nam nói riêng và người dân ở các nước thờ Phật nói chung đã lấy cảnh này làm nguồn cảm hứng. Hình ảnh Đức Phật mới sinh, tay trái chỉ lên trời và tay phải chỉ xuống đất, trên một tòa sen đang nở, cùng với phong thái uy nghiêm đã trở thành một biểu tượng phổ biến trong Phật giáo.
Từ sự kiện Phật ra đời, người xưa đã xây dựng và chế tác nên toà Cửu Long với hình tượng sinh động và uy nghi. Trong đó, các sự vật (9 con rồng, đài sen, Đế Thích, Đại Phạm Thiên, các vị thần phật khác,...) được xây dựng một cách tự nhiên.
Tại sao nên thờ tòa Cửu Long?
Được xây dựng dựa trên truyền thuyết về sự đản sinh của Đức Phật Thích Ca, tòa Cửu Long mang trong mình một yếu tố tín ngưỡng sâu sắc và ý nghĩa tâm linh đặc biệt.
Với hình ảnh các vị thần phật quây quần và chín con rồng phun nước để chào mừng Đức Phật ra đời, tòa Cửu Long không chỉ thể hiện cho đạo lý Phật giáo, tín ngưỡng của người Việt cổ mà còn đại diện cho niềm tin sâu sắc của người dân vào sự bảo vệ và phù hộ của các vị thần phật.
Tòa Cửu Long chế tác tại làng nghề Sơn Đồng gồm 3 tầng và có cấu tạo theo hình vòng cung, mặt trước là 9 con rồng, mặt sau là phần trụ để đỡ tòa Cửu Long theo hướng thẳng đứng. Tòa Cửu Long lấy bối cảnh là cây vô ưu cùng với bầu trời và các đám mây, xen kẽ là tượng các vị thần phật quây quần dọc theo hình vòng cung để chào đón sự ra đời của Đức Phật.
Bức tượng Phật đản sinh được đặt ở chính giữa, đứng trên đài sen, bên tả (bên trái) là tượng Đế Thích ngôi ngai, mặc áo mũ Hoàng Đế, bên hữu (bên phải) có tượng Đại Phạm Thiên cùng kiểu dáng như tượng Đế Thích.
Tòa Cửu Long được chế tác nhằm diễn tả lại sự kiện Đản Sinh của Đức Phật một cách sinh động, đồng thời nhằm truyền tải thông điệp về sự sinh sôi và phát triển. Bức tượng này thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa trời và đất, Phật vừa là biểu hiện của Vô Tướng và Thực Tướng. Chữ “Ngã” trong câu “Thiên Thượng Thiên Hạ, duy ngã độc tôn” của Đức Phật Đản Sinh chính là chỉ sự Giác Ngộ.
Ngoài ra, hình ảnh rồng phun nước cũng đại diện cho mong ước của người nông dân được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Mặt khác, Phật ra đời vào tháng tư âm lịch - là bắt đầu mùa khô trong năm, khi đó sự ra đời của Phật giống như thông báo cho điềm lành, đem lại mùa vụ thuận lợi và bội thu cho người nông dân. Do đó, tục thờ tòa Cửu Long rất được ưa chuộng và phát triển trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam.
Một số lưu ý khi thờ tòa Cửu Long
Chọn tượng và đơn vị chế tác tượng
Tượng Phật Sơn Đồng thường được chế tác từ gỗ. Trong đó, các nghệ nhân thường chọn gỗ mít, gỗ dổi,... để chế tác tòa Cửu Long do các chất liệu gỗ này có độ bền cao và dễ chế tác (đặc biệt là khi tòa Cửu Long là mẫu tượng có kích thước lớn và bao gồm hệ thống họa tiết và chi tiết phức tạp, đa dạng).
Tòa Cửu Long thường được sơn son thếp vàng, bạc phủ hoàng kim để tạo nét uy nghi và trang trọng cho không gian thờ hoặc sử dụng sơn giả cổ, sơn pu để tạo cảm giác mộc mạc và gần gũi hơn.
Bên cạnh đó, gia chủ nên lựa chọn mẫu tượng gỗ có kích thước cân đối và phù hợp với không gian thờ để đảm bảo sự hài hòa tổng thể. Để chọn được kích thước chính xác nhất, bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn của các đơn vị chế tác tượng gỗ đẹp chuyên nghiệp và uy tín.
Khi lựa chọn đơn vị chế tác tòa Cửu Long, bạn nên lựa chọn những đơn vị có uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trước khi đặt hàng, bạn có thể đến tận xưởng chế tác của đơn vị đó để tham khảo, đánh giá vật liệu và quy trình chế tác cũng như để xem trực tiếp các mẫu đồ thờ (nếu có).
Vị trí và không gian đặt tòa Cửu Long
Nếu có đủ không gian, gia chủ nên lập một bàn thờ riêng để thờ tòa Cửu Long. Còn nếu không, gia chủ có thể đặt chung với bàn thờ gia tiên, tuy nhiên cần phân cấp rõ ràng, thường tượng Phật sẽ được để cao hơn so với các vị trong gia tiên.
Bàn thờ tòa Cửu Long nên được đặt ở độ cao phù hợp, theo quan niệm xưa thì cần ít nhất cao hơn đầu người để Đức Phật có thể nhìn bao quát không gian ngôi nhà, vị trí phù hợp nhất thường là hướng mặt tượng ra cửa chính và với nhà có nhiều tầng thì tượng Phật nên được đặt ở tầng cao nhất. Đồng thời, tránh đặt bàn thờ tòa Cửu Long gần cửa sổ để tượng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường từ bên ngoài như nắng, mưa, gió,...
Bàn thờ tòa Cửu Long phải được đặt ở nơi yên tĩnh và thanh tịnh, tránh những khu vực ồn ào, nhiều người qua lại. Không nên đặt bàn thờ hướng về các nơi như cầu thang, phòng ngủ hoặc nhà vệ sinh, để tránh làm mất đi sự linh thiêng và tôn nghiêm của không gian thờ cúng.
Lễ vật khi cúng
Khi thờ cúng tòa Cửu Long, việc chọn lựa lễ vật cũng rất quan trọng để thể hiện sự tôn kính và tâm thành của người dâng lễ. Thông thường, lễ vật cúng tòa Cửu Long là đồ chay như hoa quả và các loại thức ăn truyền thống của Việt Nam như xôi, chè.
Việc tránh sử dụng cỗ mặn, tiền vàng hay các loại bùa để duy trì sự thuần khiết và thanh tịnh của không gian thờ cúng, không đi ngược lại với giáo lý nhà Phật.
Một số lưu ý khác
- Khi thắp hương và cầu khấn trước tòa Cửu Long nói riêng và các tượng Phật khác, gia chủ cần ăn mặc chỉn chu, chỉnh tề để hành lễ.
- Khi hành lễ, cầu khấn trước tượng, gia chủ nên thành tâm và thể hiện sự tôn kính, chuyên chú cho việc cầu khấn.
- Khi thờ tượng Phật, gia chủ hoặc người dâng lễ cần giữ gìn bát quan trai giới của đạo Phật.
- Không gian thờ tượng nên giữ sự tĩnh lặng, tránh gây ồn ào để duy trì sự nghiêm trang và thiêng liêng.
- Không nên xức các loại nước thơm lên tượng bởi theo giáo lý trong đạo Phật, hương thơm là điềm không tịnh, mang lại nhiều mê đắm.